Hưởng Tang
Chương 278: 278: Bông Lúa
“Hoàng hậu nương nương nói đại nhân ngài bác học nhiều tri thức, khi còn trẻ từng đi du lịch tứ phương nên…… nên chưa biết chừng ngài có thể có biện pháp giải quyết vấn đề này.” Quý Mai bỗng nhiên nhìn thoáng qua phía sau, hình như nàng ta nghe được tiếng động gì đó phía sau cái bình lớn kim quang lấp lánh kia.
“Rốt cuộc Hoàng Thượng bị bệnh gì?” Triệu Văn An lại đè thấp giọng hỏi.
Quý Mai run lên, đôi mắt đăm đăm như rơi vào hồi ức, “Vạn tuế gia…… Trên người ngài ấy mọc đầy những thứ như bông lúa, từ đầu đến chân……”
Triệu Văn An rùng mình, giọng lập tức căng thẳng, “Bông lúa ư?”
“Đúng vậy, hơn nữa trong mỗi một bông lúa đều có…… đều có……”
Quý Mai không kịp nói tiếp bởi vì phía sau cái bình kia bỗng có hai bóng người nhảy ra, một trái một phải dùng lực đè nàng ta xuống, một kẻ trong đó dùng lụa trắng bịt miệng nàng ta lại.
“Lén gặp triều thần, lá gan của ngươi cũng lớn quá nhỉ.
Lão Phật gia đã sớm biết ngươi và chủ tử của ngươi không an phận nên mới để chúng ta canh chừng ngươi, quả nhiên…… Triệu đại nhân, quấy rầy ngài rồi, tỳ nữ này đã điên, những lời nàng ta nói ngài đừng tin.
Chúng ta sẽ mang nàng này đi trước.”
Chưa đợi Triệu Văn An nói lời nào hai thái giám kia đã lập tức lôi Quý Mai lúc này đang giãy giụa ra ngoài.
Hai kẻ ấy kẹp nàng ta ở giữa, gần như nhấc bổng cả người lên, bước chân đi cũng nhanh và lập tức biến mất trước cửa cung.
Chỉ còn mình Triệu Văn An vẫn đứng tại chỗ chiến đấu với gió bắc gào thét, chân nặng như đổ chì, thật lâu không thể bước một bước nào.
“Triệu đại nhân…… Triệu đại nhân…… chúng ta tìm ngài mãi……”
Phía sau truyền tới vài tiếng gọi, lúc này Triệu Văn An mới ý thức được bản thân bị gió thổi đến tê dại.
Ông ta ngẩn ra và chợt xoay người nhanh chóng đi ra ngoài cung.
Cỗ kiệu vẫn chờ ông ta trước cửa Đông Hoa, Chu quản gia thấy ông ta tới thì vội xốc mành kiệu và nói, “Lão gia hôm nay tan triều sớm, vậy chúng ta vẫn giữ nguyên kế hoạch chứ?”
Triệu Văn An gật gật đầu và lập tức lên kiệu.
Chu Bồi cũng nhanh chóng ra hiệu cho kiệu phu để bọn họ nhanh chóng nâng kiệu đi về phía bắc.
***
Ngõ Thanh Tháp giống một con rắn uốn lượn quanh những căn nhà tứ hợp viện, lộ ra từng khối đá xanh vuông vức khảm trên đường.
Người ta đi bên trên chỉ cảm thấy lòng bàn chân và đáy lòng đều lạnh lẽo.
Sở dĩ ngõ này có tên là Thanh Tháp vì giữa ngõ nhỏ có một tòa tháp cổ bằng gạch xanh cao bảy tầng đứng sừng sững.
Nghe nói tòa tháp này vốn là nơi cất di cốt của Vạn Tùng lão nhân, thầy của Gia Luật Sở thời Nguyên.
Việc này có đúng hay không chẳng ai biết, nhưng người ta đoán ngôi tháp này chắc cũng cỡ 500 năm trở lên.
Người Triệu Văn An muốn tìm ở một viện nhỏ cạnh tháp cổ, là một người sửa đồng hồ.
Dù ông ta chưa từng xuất ngoại ra nước ngoài nhưng bất kỳ loại đồng hồ nào của Tây dương vào tay ông ta đều có thể khôi phục như mới, thậm chí không khác gì lúc ban đầu.
Nhưng dù vậy lúc nhìn thấy Triệu Văn An lấy ra cái túi đựng từng mảnh vỡ nhỏ kia thì ông ta vẫn lắc đầu nói, “Đồng hồ đã vỡ đến mức này, đến tim đồng hồ cũng nát.
Tim đồng hồ như trái tim của chúng ta, nếu hỏng rồi thì sao sống được nữa?”
“Nếu ta có thể tìm được một cái tim đồng hồ giống thế này thì sao? Ông có thể sửa lại nó không?” Triệu Văn An là người có tính cách nhiều mặt, sáng tối đan xen, vừa nhìn đã biết thâm tàng bất lộ, nhưng tuyệt không có chuyện “từ bỏ”, “Nếu ông có thể đảm bảo thì dù phải đi khắp thế gian ta cũng sẽ tìm được một cái tim đồng hồ thích hợp mang về.”
“Đại nhân, thay đổi tim đồng hồ thì nó không còn là cái đồng hồ kia nữa.
Giống như một người, nếu đã đổi trái tim thì dù hắn vẫn mang bộ dạng cũ nhưng đã sớm không phải người kia nữa rồi.”
***
Lúc ra khỏi ngôi nhà ấy Triệu Văn An vẫn đang nghĩ tới những lời người thợ sửa đồng hồ nói.
Bởi vì mấy tháng gần đây ông ta luôn mơ thấy cùng một giấc mơ.
Trong mộng, bóng dáng của Tử Đồng luôn lắc lư trước mặt ông ta.
Con bé vẫn mặc bộ váy áo xanh biếc như ngày nó chết, tà váy và tay áo bay bay như gợn sóng.
Lúc ấy ông ta mới biết con mình bị ngâm trong nước, giống như bị một thùng nước thật lớn bao lấy.
Nhưng bộ dạng của con bé lại không hề thay đổi, lông mày, mắt và mũi vẫn như thế.
Con bé lớn lên cực kỳ giống Tử Mại, từ nhỏ chỉ cần hai chị em đứng cạnh nhau là người khác sẽ nói Triệu đại nhân đã tu được bao nhiêu phúc khí mới sinh được một đôi nhi nữ phấn điêu ngọc trác như vậy.
Những lời ấy không phải nói quá, tuy đời này Triệu Văn An đã nghe được rất nhiều lời nịnh nọt đến gần như lộ liễu nhưng ông ta lại biết những lời kia là thật lòng.
Tử Đồng và Tử Mại vừa nhìn đã biết là con cháu nhà họ Triệu, và chỉ có Triệu Văn An ông ta mới sinh được hai đứa con đáng yêu như thiên sứ trên giáo đường kia.
Trong hai đứa thì Tử Đồng không thể nghi ngờ là đứa giỏi hơn, không những trí lực mà tính cách cũng khác hẳn.
Tử Đồng càng giống ông ta hơn, là người có dã tâm, cũng giỏi lợi dụng lòng người nên dù năm lần bảy lượt bị con bé lợi dụng nhưng ông ta vẫn cam tâm tình nguyện.
Huống chi, con bé chẳng qua cũng chỉ muốn được cha chú ý hơn một chút, con bé lại không có mẹ thì ích kỷ một ít cũng không quá đáng đúng không?
Tử Mại thì không giống thế, từ nhỏ hắn đã thiện lương.
Đây vốn không phải khuyết điểm, nhưng thiện lương và yếu đuối thường như hình với bóng, Triệu Văn An có thể chịu đựng mọi thứ nhưng không thể chịu được việc hắn không đủ kiên cường.
Bắt đầu từ khi nào nhỉ? Ba tuổi, hay bốn tuổi nhỉ? Lúc ông ta nhìn Tử Đồng phấn chấn và Tử Mại yếu đuối thì càng ngày càng thấy hai đứa khác biệt.
Sau đó Tử Đồng đột nhiên mất tích, Tử Mại vì thế càng thêm nhát gan, thân thể cũng yếu đi, động chút là bệnh nằm mấy ngày.
Người trong phủ tìm người tới xem cho hắn thì đám tiên sinh hay đồng cô kia đều nói hắn bị dọa mất hồn.
Dù có tìm được hồn về nhưng sợ là cũng khó “đầy đủ hết”, nghĩa là từ nay bệnh căn không dứt, khó có thể tốt lên.
Lúc ấy ông ta khịt mũi coi thường những lời này.
Cả đời ông ta không biết đã giết bao nhiêu người, có kẻ vô tội, có kẻ đáng tội nhưng trước giờ có thấy cô hồn dã quỷ nào tìm tới cửa trả thù đâu.
Vì thế nói tới việc quỷ hồn ông ta hoàn toàn không tin.
Nhưng sau khi liên tục mơ thấy Tử Đồng ở trong mộng thì ý nghĩ của ông ta cũng chậm rãi thay đổi.
Một giấc mộng như thế này là quá khó hiểu.
Tuy có thể do ngày nghĩ nhiều nên đêm nằm mơ, và quả thực không có ngày nào ông ta không nghĩ tới Tử Đồng nhưng ông ta không thể liên tục có giấc mơ hoang đường như thế được.
Trong mộng, tuy Tử Đồng vẫn như cũ nhưng cũng có vẻ không giống.
Trong thân thể con bé giống như có một linh hồn khác, một kẻ xa lạ lãnh khốc.
(Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Mà sở dĩ ông ta nằm mơ thấy giấc mộng này đều là do vị Đạt Tát Mãn Thái Hậu mời đến cầu phúc.
Lúc ấy bà ta xoay quanh mấy vị đại thần sau đó đứng yên trước mặt ông ta và nói: “Triệu đại nhân là cánh tay đắc lực của triều đình, ta không có món quà nào tốt tặng ngài, vậy ta có thể thỏa mãn một nguyện vọng của ngài.”