Hưởng Tang

Chương 229: 229: Niên Thú


“Mã Vương gia này……” Triệu Tử Mại nhìn chằm chằm bức họa kia chỉ thấy người trong bức vẽ mặc trường bào, ngồi ngay ngắn, trên trán có thêm một con mắt, thần thái thản nhiên tự đắc, khí độ ung dung đẹp đẽ quý giá, “Đúng là vẽ không tồi, sắc thái tươi sáng nhẵn mịn, từng chi tiết đều đầy đủ, nét mặt nhân vật tỏa sáng, hình thần sinh động.

Đây là thủ pháp vẽ tranh của Giang Nam, thường để vẽ tranh thủy mặc.”
Nói xong hắn lật xem chồng tranh vẽ, lấy ra một bức vẽ và hỏi Giang Sam, “Mấy bức vẽ này thực tốt, tiêu chuẩn vượt xa những chỗ khác, hẳn là có cao nhân chỉ điểm đúng không?”
Giang Sam lập tức ưỡn ngực, giống như bị vũ nhục nên cáu giận nói, “Công tử nói đùa, toàn bộ tranh ở đây đều là do mình ta vẽ, làm gì có cao nhân nào chỉ điểm.

Chẳng qua có khi ta vẽ tranh sẽ cần rượu trợ hứng.

Mọi người đều nói Lý Bạch uống rượu xong bút sẽ như có thần, vậy ta cũng thế, uống rượu vào sẽ có thể sáng tác với hiệu quả cao.”
Triệu Tử Mại không phản bác mà quay đầu nói với Tang, “Ngài thích mấy bức vẽ này thì ta sẽ mua mấy tấm mang về.”
Tang không tỏ ý kiến mà chỉ “Hừ” lạnh nói, “Tập tục của các ngươi đúng là kỳ quái, ăn tết vốn là việc vui vẻ, sao lại cần thần tiên phù hộ là sao?”
Triệu Tử Mại ước gì nó nói nhiều vài câu nên vội vàng theo ý nó mà nói, “Kỳ thật ‘ăn tết’ cũng có điển cố, ngài có muốn nghe không?”
Tang không đáp mà chỉ nhìn hắn thế là Triệu Tử Mại nói tiếp, “Thật lâu trước kia người Trung Quốc phải đối mặt với niên, mà ‘niên’ là một con quái thú cực kỳ hung mãnh.

Nó sống dưới đáy biển sâu, mỗi khi tới lễ trừ tịch nó sẽ bơi vào bờ cắn nuốt súc vật thậm chí thương tổn mạng người.”

“Nói tiếp đi.” Đôi mắt hồng nhạt của Tang chớp động, nó nhìn chằm chằm hắn và chăm chú lắng nghe.
“Bởi vì ‘niên’ thú nên mỗi năm đến lễ trừ tịch mọi người trong thôn làng đều phải dìu già dắt trẻ trốn vào núi sâu để tránh né nó.”
“Nhưng tới trừ tịch năm kia, lúc dân làng vội vàng thu dọn đồ đạc chạy trốn thì có một ông lão đầu bạc tập tễnh đi tới phía đông của thôn.

Ông ta nói với một bà lão ở góa rằng chỉ cần để ông ta ở nhờ nhà bà ta một đêm thì ông ta nhất định có thể đuổi niên thú đi.

Mọi người không tin, bà lão cũng khuyên ông ta lên núi né tránh nhưng ông lão kia vẫn kiên trì ở lại, bướng bỉnh cực kỳ.

Mọi người thấy khuyên không được thì chỉ có thể tự mình vào núi tránh né.”
“Một năm này niên thú vẫn tới thôn như lệ thường, trong sóng lớn nó bò ra từ đáy biển mang theo mùi tanh của biển cả.

Thân thể khổng lồ của nó thậm chí che lấp cả sao trời.

Nhưng năm ấy niên thú vừa chuẩn bị xông lên tàn sát thôn làng thì ở cửa thôn đột nhiên truyền đến tiếng pháo trúc nổ tung.

Niên thú rùng mình, cũng không dám tới gần một bước.

Hóa ra nó sợ nhất là màu đỏ, ánh lửa và tiếng vang lớn.”
“Nó nhìn về phía cửa thôn khói trắng tràn ngập chỉ thấy một ông lão râu tóc bạc trắng, một thân khoác lụa hồng chậm rãi đi ra, miệng cười ha ha.

Niên thú tự biết không ổn nên lập tức thất sắc hoảng sợ bỏ chạy.”
“Ngày hôm sau lúc mọi người từ núi sâu trở lại trong thôn thì phát hiện mọi thứ bình yên vô sự, nhưng ông lão kia lại không thấy bóng dáng đâu.

Lúc này các thôn dân mới bừng tỉnh, hóa ra ông lão kia là thần tiên giúp mọi người đuổi niên thú.

Tuy ông ấy đã rời đi nhưng có để lại pháp bảo đuổi niên thú —— chính là pháo trúc.


(Truyện này của trang Rừng Hổ Phách) Từ đây, mỗi năm vào lễ trừ tịch mọi nhà đều phải đốt pháo trúc, mỗi nhà đều thắp đèn đuốc sáng trưng để qua năm mới.

Phong tục này càng ngày càng lan rộng, cuối cùng thành ngày lễ long trọng nhất trong dân gian—— ngày tết.

Mà nguyên nhân cũng chính vì để đuổi hung thú nên mọi người mới vẽ thần trên tranh tết, khẩn cầu bình an.”
“Nếu lão thần tiên đã đuổi niên thú đi thì sao không có tranh tết của hắn? Hay là đám thần tiên lớn lên đều giống nhau, tất cả đều mang tiên phong đạo cốt, tóc bạc áo rộng chăng?” Tang nghe xong chuyện xưa thì xì cười, ngón tay nhanh chóng lật đám tranh tết.
“Cô nương nói đùa, sao có thể giống nhau? Chẳng qua truyền thuyết chính là truyền thuyết, là thật là giả chẳng ai biết được, cũng không ai hay vị thần tiên kia là người phương nào.” Giang Sam xoay chuyển đôi mắt nhỏ nói, “Nhưng mua nhiều tranh tết một chút cũng không sai, coi như cái nào cũng có người phù hộ, sẽ không có việc gì.”
“Nếu muốn mua vậy không bằng mua nhiều một chút,” Mục què chen vào, ông ta đã gặm xong khoai lang nướng, ngón tay dính vụn khoai lật đống tranh tết khiến Giang Sam ghét bỏ, “Tấm này tốt, Táo Vương gia quản lý bếp các nhà, mua về thì mỗi năm chúng ta đều có thể ăn ngon uống tốt.”
***
Mấy người bất giác dạo chợ hơn một canh giờ nhưng hứng thú vẫn bừng bừng thế là lại chui vào một gian tửu lầu uống rượu ăn thịt cho nên lúc trở lại khách điếm thì đã qua giờ Dậu.
Mới vừa đi vào cửa lớn của khách điếm Triệu Tử Mại đã thấy Hồ thái y và mấy người kia ngồi trong đại sảnh chờ mình.

Lúc này hắn mới sực nhớ lúc mình đi ra ngoài không báo cho bọn họ thế là hắn lập tức kêu không ổn, chân cũng chậm lại.
Mục què cũng thấy đám người vây quanh cái bàn lớn nên mũi không nhịn được hừ lạnh một tiếng.

Khóe miệng ông ta trề ra, tròng mắt tí thì lật lên đỉnh đầu.
Tang thì cầm một chồng tranh tết, cũng chẳng có phản ứng gì với mấy người kia mà chỉ nói với Triệu Tử Mại và Bảo Điền một tiếng “Ta về phòng” sau đó đi tới cầu thang ở phía khác.

Triệu Tử Mại vẫn lo lắng, sợ mấy người kia không biết gì ngăn nó lại và nói mấy lời bất kính thì nguy.
Cũng không phải hắn lo lắng cho nó, mà hắn sợ mấy người hầu của nhà hắn chọc phải người không nên chọc, sợ là chết thế nào cũng không rõ.

Có điều hôm nay hắn lại phát hiện mình lo lắng hơn một chút bởi vì mấy người kia gồm cả Hồ thái y đều không chất vấn Tang mà đứng lên nở nụ cười mang theo cung kính với hắn.
“Công tử, ngài lại đây nhìn xem chúng ta gặp được ai.” Hồ thái y nháy mắt ra hiệu cho Triệu Tử Mại, đầu hếch về phía người đang ngồi ở vị trí trung tâm của cái bàn.

Nhờ ông ta nhắc nhở nên lúc này Triệu Tử Mại mới phát hiện bên cạnh bàn còn có vài người khác.

Người cầm đầu bộ dạng tinh tế, mặt dài tai rộng, bên ngoài mặc áo viền lông cáo màu đen, thân áo màu xanh đá, bên hông rủ xuống mấy chục thứ trang sức vàng bạc tinh xảo.

Trong đó có đồ ngoáy tai, cái nhíp, tăm xỉa răng, còn có kích, thương, một đống binh khí cổ đại linh tinh, nhìn hoa hết cả mắt.
Nhìn thấy Triệu Tử Mại thế là người nọ vội đứng lên hành lễ với hắn và nói, “Đã lâu không gặp, công tử trổ mã càng ngày càng tuấn tú, thật đúng là hổ phụ vô khuyển tử.”
Giọng người này cao hơn người thường một chút, vì thế Triệu Tử Mại lập tức bừng tỉnh nhớ ra hắn là ai.
“Trương công công, trời vào đông lạnh lẽo, lại sắp ăn tết sao ngài lại tới đây?” Hắn khom người đáp lễ, trong đầu lại xoay quanh vài vòng mà chẳng sao nghĩ được lý do Trương Diệu Trung, quản sự của Nội Vụ Phủ tới nơi này.
“Ôi giời,” Trương Diệu Trung thở dài, “Công tử có điều không biết, Nội Vụ Phủ chúng ta mỗi năm đều phải tới các nơi chọn mua chút đồ dân gian mới mẻ để lão Phật gia, Hoàng Thượng và các vị nương nương thưởng thức.

Nhưng hiện giờ ta đã tới vài ngày mà vẫn chưa mua đủ đồ đâu.”


BÌNH LUẬN
Bạn cần đăng nhập để bình luận