Đường Chuyên

Chương 880: Các công tượng xây nhà?

Thượng du Kinh Hà cách xưởng chừng 3 dặm chính là một lựa chọn tốt. Địa thế bằng phẳng, trọng yếu nhất là nó ở chỗ đầu gió, bởi xây tân thôn cho công tượng phải tránh các chỗ có thể xây dựng nhà xưởng sau này. Chọn nơi này cũng là vì cân nhắc đến việc không để cho những công tượng này bị độc khí của chính nhà xưởng mình gây tổn hại.

Khi bản kế hoạch được đưa tới tay các quản sự nhà xưởng, Vân Diệp mới biết thân hào là thế nào. Bọn họ đối với việc Vân Diệp cẩn thận khi dự trù số lượng vốn thì khịt mũi coi thường, đối với tiểu lâu hai tầng đơn sơ cười nhạt, thậm chí bọn họ đều tỏ ra tức giận, cho rằng đây là Vân Diệp coi thường tài lực của khu công nghiệp.

Làm quan ở khu công nghiệp là một ràng buộc, bọn họ chỉ có thể thăng chức trong hệ thống này, vị trí cao nhất là đại tượng Tương Tác giám, hơn nữa đều là nhân vật từ các thế gia Tương Tác, bọn họ đối với các công tượng gia không có bao nhiêu kỳ thị, có mấy người quản sự cũng từng có tổ tiên xuất thân từ công tượng, xây nhà bọn họ rất quen thuộc. Sở dĩ trước kia không dám, đó là bởi vì thân phận hèn mọn không dám nói ra, dù là có tiền cũng không dám nói.

Nếu đã có một đầu sỏ đứng ra nói xây nhà cho các công tượng, hơn nữa chỉ lấy vốn thì ai mà chẳng vui vẻ? Dù sao tấu chương xin xây nhà vẫn đang trên đường trở về Trường An, cho nên các quản sự khu công nghiệp đang ngồi chung một chỗ thảo luận, xem xem có nên dùng cẩm thạch để xây dựng tân thôn hay không.

Về thủy nê (xi-măng), trong từng tác phường đều có tồn kho, đá thì vào núi kiếm bao nhiêu chẳng có? Về phần gỗ, nếu gần không được thì vào sâu trong núi mà tìm, rồi cho thả sông trôi ra, việc này hoàng đế bệ hạ không nhất định hỏi tới. Bọn họ không thiếu tiền, không thiếu nhân thủ, cái thiếu chỉ là một đạo công văn mà thôi.

Đối với việc vượt chức phận của Vân Diệp, Tương Tác giám, quan viên Công bộ vô củng tức giận, bởi từ xưa đến nay công tượng là đối tượng bị nô dịch, địa vị của bọn họ chẳng khác nào dân đen.

Tấu chương Vân Diệp mới qua 3 tỉnh đã bị người ta bác bỏ tơi bời. Chỉ cần là quan viên có tiếng nói là sẽ chỉ trích tấu chương của Vân Diệp là hành vi ngu xuẩn, bởi các công tượng muốn trở nên lành nghề, thì không được ở chỗ cố định, phải giống lục bình, hôm nay ở Trường An làm việc, nói không chừng ngày mai đã phải đi Lạc Dương. Nếu như chiến sự Cao Ly bộc phát, bọn họ còn phải theo quân chinh chiến, cho bọn họ một cái nhà không thực tế, thật sự không cần thiết.

Trong thể chế này, loại kiến nghị như vậy căn bản sẽ không thông. Cho nên ngươi có tiền cũng không được, ngươi có vật tư cũng không được, mà lý do từ chối lại lạnh lùng và vô cùng vô lý.

Vân Diệp lật xem tấu chương của mình, mặt trên bị người ta phê duyệt vô cùng thê thảm, ngay cả việc sai ngữ pháp cũng bị lôi ra chì chiết một phen. Lại còn có tên động kinh nào không ngờ còn viết bốn chứ thật to "Lời vô chứng cứ", khiến Vân Diệp tức đến nỗi thất khiếu bốc khói.

Quản sự lón nhỏ trong khu công nghiệp buồn như cha chết, cúi đầu ủ rũ không nói tiếng nào, có người còn che mặt khóc. Mặc kệ bọn họ lập được bao nhiêu công lao, nhưng trong mắt những quan viên kia bọn họ vẫn chỉ là dân đen không hơn không kém. Trước đây khi xác lập khu công nghiệp, Vân Diệp cũng đã loại bỏ mầm móng cừu hận, khi y hiệp trợ Lý Thái xác định nhân viên quản lý khu công nghiệp, những đại tượng của Tương Tác giám không chịu làm, những nhân viên quản sự của Công bộ suốt ngày ngồi chơi đều bị hai người vừa cười vừa sút ra ngoài.

Cho nên hiện tại người ta không nể tình cũng không phải chuyện lạ. Nhìn bốn chữ không giống như là của Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối thì trước nay chỉ quản việc quân nên cũng không thể nào là lão. Hiển nhiên người này khi viết bốn chữ này chắc chắn trong tâm tràn đầy phẫn nộ, thiết câu ngân hoa, nét chữ cứng cáp, ngoại trừ tên Diêm Lập Đức thì còn ai vào đây được nữa.

Nhìn bốn chữ này, Vân Diệp rất muốn viết lại một tấu chương khác, nhưng do dự hồi lâu lại bỏ đi nghĩ cách khác.

Bốn Ngũ lễ Tư Mã bên Vân Diệp cũng tức giận bất bình, mấy ngày này theo Vân Diệp đi thăm 17 tác phường một lượt, bọn họ đối với những công tượng này có nhận thức mới, những công tượng thấp bé như cỏ dại này, lại có đôi tay kì diệu chế tạo ra cho Đại Đường vô địch hùng binh, người như vậy không được đối xử tử tế, thật sự là thiên lý nan dung.

Không nói đâu xa, nhìn những công tượng này kéo sợi thép, chế tác kim ty giáp, liên giáp thì mới biết trang bị trên thân mình được làm ra không hề dễ dàng. Hai tay công tượng thô ráp không nói, còn bị biến dạng, ngón cái, ngón trỏ trở nên thô to vô cùng. Thanh sắt nóng hổi bị bọn họ bóp trong tay mà không thấy bỏng, thừa dịp thanh sắt còn ấm, bọn họ dùng thiết côn để tạo hình. Nếu những chuyện này là do một lão công tượng làm thì cũng thôi, nhưng làm việc này còn có các thanh niên 17, 18 tuổi, tuổi còn nhỏ mà đôi tay đã như vậy, không biết đã phải chịu bao nhiêu đau khổ.

- Sao phải cúi đầu, sao phải khóc lóc? Vốn chỉ định cấp cho công tượng một chỗ ở là được, giờ lão tử không thèm làm vậy nữa. Những công xưởng này vốn đều có phần của Vân gia ta, từ trước đến giờ ta chưa dùng tới, cũng không lấy ra, giờ ta lấy hết. Lão tử muốn dựng một tòa Hầu phủ thật lớn trên Hán Nguyên, phải thật to, thật sang trọng, bên trong để cho ta một phòng là được, còn lại cứ tiếp tục xây, xây không cần để ý đến những tên khốn kiếp kia. Sau khi xây xong ta liền bán giá 1 đồng cho các ngươi, lão tử thích phá của như vậy thì có sao? Dù sao ta cũng nổi danh bại gia tử thành Trường An từ lâu rồi.

Vân Diệp nói khiến cho các quản sự lập tức lên tinh thần, từng người từng người liền đi tìm khế ước từ hồi đầu tiên. Lúc đầu ký kết đã nói rõ Vân gia có cổ phần, nhưng Vân Diệp không dám đáp ứng, nhưng đến khi Lý Nhị xác định khế ước thì lại thêm vào điều này. Việc này kẻ ngu cũng biết Vân gia chỉ là ngụy trang, dù sao hoàng gia ăn cũng không thể quá trắng trợn.

Rất nhanh, Vân Diệp liền ký kết khế ước, đem cổ phần của mình bán hết cho hoàng gia để lấy tiền xây phòng. Đây mới là kết quả Vân Diệp mong muốn, từ từ thoát thân khỏi các sản nghiệp hoàng gia khống chế. Nhân tình là thứ rất kỳ quái, một khi dính vào lợi ích liền sẽ biến thành công lợi (hiệu quả và lợi ích). Thời kì các công xưởng còn mới thì Vân gia rất lợi, nhưng giờ tất cả công xưởng đều đã bị hoàng gia chia cho Tương Tác giám, Vân gia ngươi có tài đức gì tranh lợi với Đại Đường? Đó cũng là lí do Tương Tác giám không thèm quan tâm đến cổ phần của Vân gia, cho rằng không đi gây chuyện với Vân gia đã là tích đức hành thiện rồi.

Vô duyên vô cớ rút ra sẽ tổn hại lòng tin của hoàng đế, bởi tất cả mọi người sẽ suy diễn: ban đầu bệ hạ mượn Vân gia làm bình phong để mưu lợi, giờ xong rồi thì bỏ mặc, khiến cho Vân hầu vô cùng tức giận, vì vậy mới ba máu sáu cơn không thèm cổ phần, cũng phải xây phòng cho công tượng. Nhưng việc này không liên quan đến việc thu mua lòng người, mà chỉ là kèn cựa với Tương Tác giám và Công bộ mà thôi.

Tấu chương thứ hai yêu cầu xây nhà ở Hán Nguyên đã được gửi đi, lần này không phải cho hoàng đế, mà là công văn cho Tương Tác giám. Không đề cập tới công tượng, chỉ nói bên bờ Kính Hà phong cảnh xinh đẹp, y muốn dựng một tòa biệt phủ, vật liệu đã tìm khắp Tam Nguyên huyện xong xuôi, chỉ cần Tương Tác giám trả một phần tiền lại cho Vân gia là sẽ bắt đầu xây dựng.
BÌNH LUẬN
Bạn cần đăng nhập để bình luận