Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân
Chương 463: Những Mảnh Đời Tại Thành Bạch Đế: Nguyễn Đăng Toản
Phủ Khai Phong...
Kể từ lúc triệt phá đường dây buôn người, buôn lậu ở thôn Đoài, cặp mẹ chồng nàng dâu bất hạnh đã được Hồng Đô phái người đưa về đây ở tạm cho an toàn.
Có chính sách “bảo vệ nhân chứng” như vậy, đám sĩ tộc hào cường trong thành có muốn động tay động chân cũng chỉ đành nghiến răng nghiến lợi trong bất lực. Dù sao, bọn hắn còn chưa ngu xuẩn đến mức chạy đến tận cửa phủ của Bích Mặc tiên sinh mà vuốt râu hùm. Tuy thời phong kiến ngày xưa quả thật có câu “phép vua thua lệ làng”, song không có nghĩa là triều đình trung ương không làm được gì thế lực địa phương. Câu này phải hiểu là đám địa đầu xà này còn có ích, giết bọn hắn sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn, nên cường long mới không động thủ.
Nếu lệ làng mà không biết điều, vậy thì cái chuyện “bò béo bò gầy” còn ngay đó. Quân chính quy càn qua, một đám thôn dân cầm cuốc chắc chắn sẽ bị nghiến thành cặn.
Đây cũng là nguyên nhân vì sao Nguyễn Đông Thanh dù nắm quyền điều binh trong tay, lại không thể nhổ sạch bách đám quan lại địa phương.
Trong ngắn hạn không có người thay thế.
Không có quan lại cơ sở quản lý, quỷ mới biết địa phương sẽ loạn thành cái gì.
Bấy giờ...
Nguyễn Đông Thanh ngồi bên bàn, buông thư khiếu nại của đám “danh sĩ” trong thành xuống, chân mày nhíu chặt.
Kể từ lúc Khai Phong tuần san ra số đầu tiên, thư trách cứ của đám người tự nhận là cao sang kia liên tiếp như mưa rào mùa hạ, dùng đủ các loại con đường tiến lên bàn sách của hắn. Trong thư không nói dân đen là hạng ngu muội không thể phân rõ thị phi, thì cũng bảo tiện dân là hạng người ti tiện từ xương cốt, dối trá bất tín.
Hàm ý rất rõ ràng...
Quan Chưởng Ấn ngài chỉ cần nghe giọng nói của danh sĩ chúng ta là được rồi.
Nguyễn Đông Thanh trợn mắt, nói:
“Hồng Đô, nhờ Cố sư gia chuẩn bị một phần bài thi, đưa đến nhà đám danh sĩ này. Phái bổ khoái nhìn chằm chằm bọn hắn làm. Không làm được thì sau này đừng có mặt dày tự nhận là danh sĩ nữa. Cũng đừng để đích thân ta đến tận nhà thỉnh giáo...”
Không phải hắn không biết quần chúng là tầng lớp dễ bị dắt mũi, kích động nhất.
Đời sau có giáo dục bắt buộc, thông tin chỉ cách một nút bấm mà còn rất nhiều người bị cái “bạn tôi ở đấy”, “cháu tôi nghe thế” lùa như lùa gà lùa vịt, chứ đừng nói là ở cái xã hội thông tin trì trệ như Huyền Hoàng giới. Tuy nói có Thiên Cơ các tồn tại, nhưng tin tức của bọn hắn người phàm có thể tiếp cận được sao?
Biết là biết vậy...
Nhưng nhìn đám danh sĩ tự cho là thanh cao, nhìn người đời không bằng cỏ rác kia, hắn lại nổi cáu.
Hắn không quá thích Nho giáo.
Không sản xuất ra giá trị thực tế, nhưng lại chịu chín thành tài nguyên của thiên hạ.
Độc quyền tri thức, tựa như bịt tai trộm chuông. Kéo bè kết cánh, lại bảo thủ tự cho là đúng.
Chỉ vì bọn hắn thần bí hóa hoàng quyền, thuyết thiên mệnh được vương tộc ưa thích?
Dân tâm, kỳ thực chưa bao giờ nói đến hạng thứ dân, tiện dân trong miệng sĩ tộc hào cường, mà là chỉ bọn chúng. Được lòng hào cường đại tộc, mới được thiên hạ. Chỉ dựa vào thái độ của cái đám tự cho là hơn người một bậc hôm nay cũng đủ thấy phần nào.
Nguyễn Đông Thanh bực dọc phát tiết một lát, đoạn lại phủi áo, chạy đến hậu viện. Ba mẹ con bà lão số khổ được Hồng Đô sắp xếp cho ở lại đó.
Mấy ngày này, mỗi lần rảnh rỗi, Bích Mặc tiên sinh đều đến nói chuyện, trấn an bà cụ. Hắn hiểu đối với người bình thường mà nói, phủ Khai Phong cũng chẳng khác nào đầm rồng hang cọp. Nguyễn Đông Thanh sợ bà cụ hiểu nhầm là bị tạm giam, làm chuyện dại dột thì quả thật là bỏ mẹ.
Thành thử, gã thường xuyên đến nói chuyện với bà cụ.
Nghe kể ra, thì bà lão họ Lý, vốn là quả phụ. Ba mươi năm trước trong chiến tranh Tề – Việt tan nhà nát cửa, tái giá cho chồng họ Nguyễn. Đứa con hiện giờ tên Đăng Toản, là bà với chồng sau sinh hạ. Đáng tiếc, người chồng thứ hai của bà Lý mấy năm trước cũng cưỡi hạc, từ đấy bà trở thành con mụ khắc chồng trong miệng đám “danh Nho”, “kẻ sĩ”.
Nguyễn Đăng Toản từ bé được cha mẹ dồn hết hi vọng, bỏ tiền cho đi học tận thành Đông Thanh. Đến khi cha ruột chết, hắn mới không thể không quay về nhà thừa kế gia sản.
Đáng tiếc...
Kẻ này đến thư viện Thanh Tùng mấy năm học được bao nhiêu bản sự thật sự thì không ai biết, thế nhưng cái tâm thái tự cho là hơn người của đám nho sinh thì học không thiếu một chút.
Nguyễn Đăng Toản theo học thư viện mấy năm, dần dần cho mẹ già ở nhà là không thủ tiết, khinh thường bà Lý.
Đáng tiếc là bà Lý vẫn giữ tam tòng, chồng chết theo con, thành thử cũng hết sức cố gắng lo toan. Nguyễn Đăng Toản tuy không phải ăn không ngồi rồi, nhưng hắn thích đánh bạn với cánh nhà Nho mưu đồ từ nông chuyển thành sĩ, rượu thịt ăn uống mỗi tháng chẳng phải một con số nhỏ. Nếu không phải có bà Lý vun vén thì chỉ sợ nhà họ Nguyễn đã thu không đủ chi.
Hai năm trước, con trai bà muốn lấy vợ.
Bà cụ cảm thấy để nó yên bề gia thất mà tu thân dưỡng tính thì cũng tốt. Chỉ tiếc là hắn tự phụ là người đọc sách, muốn cưới cũng phải cưới con gái nhà gia giáo. Đáng tiếc, hắn lại không biết sách hắn đọc không lấy ra trả tiền hồi môn được. Người ta thách cưới quá cao, bà Lý không chịu nổi, đành phải cầu việc khác, cưới cô vợ hiện giờ về cho thằng con.
Y thị họ Quản, xuất thân là sơn man, tuy là lương dân, song cũng thuộc diện cùng đinh trong thành. Nguyễn Đăng Toản nghe xong nổi giận, cho là mẹ già khinh mình, song vì còn Hồ Ma Huyền Nguyệt nên không dám công khai phát tiết. Cũng may Quản thị có mấy phần tư sắc, nên sau khi cưới về cũng coi là êm đẹp.
Gần đây Nguyễn Đông Thanh sở dĩ đặc biệt ngứa mắt cánh danh Nho, sĩ tộc cũng vì câu chuyện của cụ Lý.
Hắn tuy là khó chịu, nhưng không ghét Nguyễn Đăng Toản.
Dù sao, tư tưởng thời xưa chính là như thế.
Nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối, gặp năm được mùa thì đủ ăn đủ mặc sống qua mùa đông, chẳng may gặp nạn đói thiên tai thì chỉ có ôm nhau chết đói. Ấy là chưa nói đến thuế má lao dịch, hào cường bóc lột.
Mà muốn thay đổi kết cục bán mặt cho đất cả đời thì chỉ có hai con đường...
Hoặc là tòng quân, lấy chiến công dương danh vào triều.
Thế nhưng lính không thuộc vào tứ dân, thời bình cơ hồ là không có quyền con người, thời chiến thì lại càng không cần phải nói. Trừ phi như Mạc Đăng Dung vừa dũng mãnh, vừa vớ được một ông bố vợ quyền cao chức trọng, bằng không kết cục của đi lính tòng quân thường thường là chết rũ xương ngoài chiến trường, bằng không thì cũng tầm thường vô vi, lết tấm thân tàn phế về để gia đình phụng dưỡng.
Hoặc lựa chọn con đường thứ hai: học vấn...
Học chữ, đọc sách, nhồi kinh thư vào đầu như nhồi vịt, sau đó đánh cược đường công danh.
Người đời sau không hiểu thứ gông xiềng này, đọc bài *Thương Vợ* của Trần Tế Xương chỉ biết chê cười khinh bỉ ông ta là cái loại nói suông, song lại không biết đối với một nhà làm nông mà nói, đi học, tiếp đãi đám tú tài là lối tiến thân duy nhất. Người vợ ngày xưa hi sinh cho chồng, tam tòng tứ đức đấy, song cũng là hi vọng chồng có thể đỗ đạt, từ đấy đổi đời.
Cứ thế, tạo nên một loại tuần hoàn ác tính.
Nguyễn Đông Thanh chính đang định quay lại hậu viện nói chuyện với bà Lý, thì đã nghe hộ vệ tới báo.
“Bẩm đại nhân. Hồi sáng Nguyễn Đăng Toản ra ngoài, được một đám người lấy kiệu đưa đi.”
“Kẻ đến là ai?”
“Chúng ta cũng muốn hỏi, đối phương lại nói Nguyễn Đăng Toản không phải phạm nhân, chuyện riêng tư không có lí do gì phải thông báo với đại nhân. Chúng ta sợ tổn hại danh tiếng của ngài...”
“Biết rồi. Người đã về chưa?”
“Vừa trở lại không lâu.”
Nguyễn Đông Thanh gật đầu với hộ vệ một cái, đại khái cũng đã hiểu được chuyện gì xảy ra.
Hào môn sĩ tộc cho người đến đón Nguyễn Đăng Toản ra ngoài, hẳn là thương nghị chuyện ngáng chân bọn hắn. Nho, sĩ lắm chữ, miệng lưỡi dẻo quẹo, mấy anh chàng hộ vệ trong phủ làm người chân chất há có thể là đối thủ?
Trừ khi thay đổi ngôn ngữ, nói chuyện bằng nắm đấm.
Gã gật đầu một cái, đoạn lại chậm rãi bước về phía hậu viện, lắng tai nghe.
“Mẹ à. Nghe lời con. Chúng ta đừng kiện nữa.”
“Anh đừng có nói nữa. Nếu không có người của phủ Khai Phong thì tôi đã bị chúng nó đánh chết, vợ anh bị nó bắt đi làm nô làm tì rồi. Anh có còn nhân tính hay không? Cái sống lưng của anh nó còn hay không?”
“Mẹ à, không nói bảo vệ dân chúng là chức trách của họ. Cho dù có đại ân đại đức đi nữa đi, thì bọn họ cũng không nên đặt chúng ta ra đầu sóng ngọn gió như thế. Mẹ làm thế là giết cả nhà mình đấy mẹ à.”
“Anh... anh nói thế mà nghe được à?”
“Mẹ à. Bình tĩnh nghe con nói. Người khác có đi cái bầu cử gì đó của họ thì cũng được nặc danh, nhưng mẹ thì chắc chắn sẽ xuất hiện trước bàn dân thiên hạ. Như thế... như thế... chẳng phải họ Nguyễn chúng ta đắc tội với toàn bộ hào cường sĩ tộc trong thành sao? Mẹ không vì tiền đồ của con, thì cũng nghĩ đến cháu mình chứ.”
Người nọ xem chừng thấy bà Lý muốn nổi giận, bèn đổi giọng khuyên can. Thế nhưng chẳng khác nào tưới thêm dầu vào lửa.
“À... tôi hiểu rồi. Ra là cái đám bạn tốt bạn quý của anh nói ngọt, để anh làm trâu làm chó cho cái bọn nhiều tiền lắm chữ có đúng không?”
“Mẹ à... lời không thể nói như thế. Bích Mặc tiên sinh là loại nhân vật gì? Mẹ có biết là đến thành chủ cũng không dám đắc tội y, Võ Hoàng điện hạ cũng thân thiết với gã hết mực. Ông Phật to như thế, cái miếu nhỏ Bạch Đế này chứa được bao lâu?
“Mẹ à, người không thể chỉ vì cái trước mắt. Vì dũng khí nhất thời mà liều mạng thật là cái dũng của thất phu, phải nghĩ đến mai sau mới là hành động của kẻ nhìn xa trông rộng. Bích Mặc tiên sinh đi rồi thì chúng ta phải làm thế nào? Không bằng... thừa lúc bây giờ bọn họ cần chúng ta... Dù sao cũng không tổn hại gì. Chỉ cần rút đơn kiện thôi.”
Nguyễn Đăng Toản lại tiếp tục thuyết phục.
Nguyễn Đông Thanh nghe xong, thở dài, dặn hộ vệ đứng gần đó:
“Nếu lát nữa cụ Lý và cô Quản muốn đi thì không cần bẩm báo, cứ để họ về.”
“Tiên sinh... sao tự nhiên lại nói vậy?”
Hộ vệ trừng mắt, giống như không dám tin vào điều mình vừa nghe thấy.
Thân phận của hắn thấp, bình thường không tiếp xúc được với chuyện của cao tầng trong phủ, song việc Nguyễn Đông Thanh chuẩn bị xử án đám hào cường buôn người hắn cũng có nghe mấy anh em làm việc dưới trướng Trương Triệu Vương Mã nói.
Cũng tận mắt chứng kiến mấy người Nguyễn Đông Thanh, Long U tiểu công chúa, Hồng hộ vệ và Cố sư gia bôn ba ngược xuôi chuẩn bị đủ thứ.
Đối với chuyện này, gã cũng vỗ tay khen ngợi không thôi.
Thế nhưng vì cớ gì chuyện sắp thành, Bích Mặc tiên sinh lại thu tay?
Nguyễn Đông Thanh nhìn về phía hậu viện, thở dài.
Cuối cùng chuyện trên đời không thoát được một chữ “lợi”.
Đời sau cũng đâu thiếu cảnh gia đình đột nhiên rút đơn kiện, chấp nhận xử lý bên ngoài tòa án?
Có lẽ bọn họ cũng có thể ý thức hành động của mình khiến pháp luật không thể nghiêm minh, song ai dám nói trước được tương lai? Có người dám nói luật pháp hoàn toàn công bằng? Ai dám khẳng định mình sẽ không vướng cảnh con kiến đi kiện củ khoai, tiền mất tật mang? Người nào dám chắc có thể lấy sức một người nhỏ bé kiện thắng một thế lực lớn hơn quá nhiều?
Thành thử, Nguyễn Đông Thanh thở dài.
Nếu bà cụ Lý không chịu ra làm nhân chứng, chỉ sợ cái án này không dễ kết như thế.
Hào cường sĩ tộc chỉ họp một buổi đã có thể chuẩn xác bắt được yếu hại trong hành động lần này của phủ Khai Phong, nhắm ngay vào Nguyễn Đăng Toản.
Xem ra đối phương cũng có người tài...
oOo
Trong giai đoạn gần đây và sắp tới, truyện sẽ đi vào một giai đoạn gọi là đại tranh chi thế (hint từ arc Kiếm Vực), nên nvp xuất hiện rất nhiều, cũng có ảnh hưởng lớn đến cốt truyện chính. Nếu phải so sánh thì đây là giai đoạn “trước đại chiến Xích Bích”, “trước Cơ Xương rời Triều Ca” của truyện. Nên anh em nếu còn theo dõi thì cứ sử dụng phần "nhân vật" của yy để tra cứu cho tiện.
Anh em ai đọc thấy hay thì like, comment, và đề cử ủng hộ nhóm tác giả ạ! Nếu truyện được ủng hộ nhiều likes mà tồn cảo đủ, nhóm tác sẽ cố gắng đăng nhiều chương hơn mỗi tuần!