Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 191: Phụ Chương: Anh Thầy Bói Họ Lã (1)

[Ngoại truyện này gồm 4 phần, diễn ra trước khi Sở Tinh Hà gặp nạn vong mạng vài ngày. Cụ thể là quãng nào trong dòng thời gian của chính truyện thì phần 4 sẽ có giải đáp.

Đồng thời, cũng xin nhắc lại một chút với quý độc giả, là chính truyện kể tuần tự theo trình tự thời gian các sự kiện, còn ngoại truyện và phụ chương thường là dựa theo dịp đăng hoặc nhảy về phía trước hoặc phía sau trong dòng thời gian để cung cấp thêm cho bà con các thông tin quan trọng, cần biết nhưng khó nhét vào dòng thời gian của chính truyện vì bất kỳ lý do gì (ví dụ như giữ bí mật một số tình tiết, tránh spoil quá sớm hay đào một số các phục bút đã chôn lên). Vì vậy, tuy gọi là ngoại truyện, phụ chương nhưng tuyệt đối không nên bỏ qua!]

Gần trung tâm thành Bạch Đế có một cây Bạch Đàn khổng lồ.

Tương truyền năm xưa, khi nước Việt còn chưa tồn tại, lục quốc còn phân tranh, Lê Thái Tổ vượt biển trúc qua nơi đây tìm di vật của Thế Tôn, từng luận đạo với một Bạch Đàn Tình vạn tuổi, sau đó liền quyết định ở lại nơi đây lập quốc, đón nạn dân. Cũng nhờ Bạch Đàn Tinh năm ấy che chở, bảo vệ cho quân của Thái Tổ, mới có Đại Việt của sau này. Về sau, không rõ vì lý do gì, Bạch Đàn Tinh lâm vào ngủ say, được đào lên đưa đi nơi khác. Chỗ thụ yêu khi trước tọa lạc, đích thân Thái Tổ trồng một cây Bạch Đàn mới xuống.

Từ đó đến nay đã gần hai trăm năm, cây Bạch Đàn trồng xuống năm nào đã trở thành cổ thụ, mà thôn nhỏ khi ấy nay cũng đã là thành lớn. Dân chúng vì tưởng nhớ quan hệ bằng hữu của Thái Tổ với Bạch Đàn Tinh, cũng như công ơn bảo vệ năm nào, mà đặt tên thành là Bạch Đế. Cũng vì đoạn lịch sử này, mà thành Bạch Đế cách Quan Lâm chẳng bao xa (1) lại có địa vị khác biệt lớn đến như vậy.

(1: chẳng bao xa là trên bản đồ Đại Việt thôi, chứ khoảng cách địa lý cũng gần ngàn dặm như đã nói trong chương 136: )

Dưới gốc cây Bạch Đàn, có một quán nước nhỏ, bà chủ quán họ Chu, là một thiếu phụ mới gần ba mươi, xuất giá chưa lâu. Dân ở thành Bạch Đế lâu năm đều biết, nếu muốn biết thông tin hay cần trợ giúp chuyện gì, thì đều nên đến quán nước này một chuyến.

Lúc này, trong quán của bà chủ Chu chỉ tiếp một vị khách trẻ tuổi. Người này có dáng dấp của thư sinh, ngũ quan thanh tú, da trắng như bôi phấn, mày liễu mắt phượng, quả là một mỹ nam không quen nắng gió. Y nói:

“Bà chủ, không biết việc tại hạ nhờ cậy...”

Y nói đến đây thì Chu thị đã đon đả ngắt lời:

“Gì mà ‘bà chủ’ xa cách vậy chứ? Chú cứ gọi một tiếng ‘chị’ là được rồi. Chuyện chị hứa, chú cứ yên tâm, đợi chút nữa đại ca qua đây chị sẽ giới thiệu cho chú một chút!”

Vừa nói lại vừa đưa tay ra vỗ nhẹ vào cánh tay thiếu niên tuấn mỹ. Thiếu niên kia hiển nhiên là không có vẻ quen thuộc với nữ sắc, bị cử chỉ “thân mật” này của bà chủ Chu dọa cho mặt đỏ đến tận mang tai, không được tự nhiên mà ấp úng mãi mới rặn ra được một tiếng “chị”.

Thiếu phụ thấy phản ứng này của chàng trai trước mắt thì thích chí cười khanh khách. Đúng lúc này thì nghe thấy tiếng nói rằng:

“Em dâu, mới sáng sớm đã ghẹo trai rồi, không sợ Hoàng lão đệ đau lòng sao?”

Chỉ thấy người đi tới là một trung niên mặt chuột, ngoại trừ Hạ Hầu Duyệt ra thì còn ai vào đây nữa? Nhìn rõ người mới đến, Chu thị cười nói:

“Đại ca, chồng em cũng không nhỏ nhen như thế!”

Đoạn đứng lên vẫy vẫy tay:

“Đại ca, mau vào đây, em giới thiệu khách quý với anh!”



Hạ Hầu Duyệt vốn cũng chỉ là đùa vui không hề có ác ý, nghe vậy thì cười lên một tiếng sảng khoái rồi tiến tới, ngồi xuống một cái ghế khác trong quán. Bà chủ Chu lúc này mới nói:

“Đại ca, vị này là Lã công tử, muốn bàn với huynh thu xếp lấy một chỗ lập quầy xem bói.”

Đoạn, vừa nháy mắt, vừa tiếp tục “quảng cáo”:

“Lã công tử tuổi trẻ tài cao, chỉ là ở nơi đây lạ nước lạ cái nên mới cần chúng ta giúp một tay!”

Hạ Hầu Duyệt nhận được ám hiệu của bà chủ quán mới quay sang đánh giá thiếu niên một lượt. Thấy rõ dung mạo của vị trước mắt thì ho khan một trận, rồi cuối cùng mới nói:

“Lã công tử, việc công tử cần làm, tại hạ giúp được. Chỉ là, cũng cần chút chi phí...”

Nghe gã nói vậy, thiếu niên họ Lã cũng không lấy làm lạ. Chỉ thấy y vỗ nhẫn chứa vật, lấy ra một túi tiền nhỏ, ném cho Hạ Hầu Duyệt. Họ Hạ Hầu nhận lấy túi tiền, lắc lắc hai cái rồi đưa lại cho thiếu niên. Đoạn đứng lên, làm thủ thế mời, nói:

“Vậy mời Lã công tử vào phòng nói chuyện!”

Thiếu niên đứng lên, theo gót Hạ Hầu Duyệt vào một căn phòng nhỏ ở ngay gần sát quán nước. Trong phòng nhỏ bày trí đơn sơ nhưng thực dụng, có một cái bàn tiếp khách nhỏ với vài cái ghế xung quanh, một bàn làm việc, cùng một cái tủ nhỏ. Họ Hạ Hầu mời Lã công tử ngồi xuống; sau đó, gã mới mở tủ, lấy ra một cái bọc được gói ghém cẩn thận, bóc đi lớp vỏ bằng lá để trưng lên mời khách.

Thiếu niên họ Lã nhìn đĩa nem chua trước mặt, gật đầu một cái nhưng cũng không có hành động gì khác. Đúng lúc này, Chu thị mới từ ngoài bưng một cái khay vào; sau khi đặt hai cái chén cùng một bầu rượu xuống, liền chào hai người trong phòng rồi lui ra. Khi ấy, mới thấy thiếu niên họ Lã rất thành thục mà tự phục vụ. Hạ Hầu Duyệt nhìn Lã công tử mà chặc lưỡi, thầm khen cô “em dâu” có mắt nhìn người.

Quả thật, việc Hạ Hầu Duyệt mới đến thành Bạch Đế có mấy tháng mà đã không khác gì “thổ địa” nơi đây – có địa vị cùng quan hệ rộng rãi như hiện tại – không thể thiếu công lao của bà chủ Chu và chồng của y thị, ông chủ Hoàng. Mà quan hệ của gã với hai người này, phải bắt đầu kể từ chuyện của hai mươi năm về trước.

Hồi đó, Nghiêm Hàn còn đang càn quét lục quốc, thế như chẻ tre. Hạ Hầu Duyệt và một thiếu niên họ Hoàng cùng bị hoàng thất nước Sở ép đầu quân cho một đơn vị. Nhờ hợp tính, nên hai người cũng khá thân thiết nhau. Năm ấy, trong lúc tình hình vô cùng nguy hiểm, chính là Trường Mệnh Trùng đã tạo cơ hội cho thiếu niên kia đào ngũ, lại ở lại ngụy tạo chứng cứ, giúp y chót lọt thoát ly quân đội. Thiếu niên nọ bỏ đi biệt xứ, lưu lạc đến tận Đại Việt.

Tự biết bản thân không có thiên phú tu luyện, họ Hoàng chuyển sang làm ăn buôn bán. Ngoài sáng, y mở một tiệm kinh doanh trang sức. Trong tối, y làm cò mồi, móc nối đủ loại quan hệ giữa các phe phái cả hắc đạo lẫn bạch đạo, cùng bán các loại thông tin, tình báo cho Thiên Cơ các. Cũng do đặc thù công việc mà y thường xuyên lui tới quán nước của Chu thị, rồi lâu ngày hai người bén duyên, nên vợ nên chồng.

Thế nhưng cái nghề này, lợi nhuận tuy nhiều nhưng nguy hiểm cũng không ít. Ông chủ Hoàng sau ngần ấy năm vẫn chỉ dậm chân tại đệ Nhất cảnh, khi trước một thân một mình thì không nói, nhưng giờ đã lập gia đình, hai vợ chồng cũng bắt đầu lo lắng cho tương lai.


Đúng lúc ấy thì Trường Mệnh Trùng đặt chân đến thành Bạch Đế. Huynh đệ lâu ngày không gặp mặt, tay bắt mặt mừng. Sau khi kể cho nhau nghe chuyện mấy năm nay, thì hai người đàn ông quyết định kết nghĩa anh em. Thế rồi, ông chủ Hoàng cũng dứt khoát chuyển nhượng hết các mối làm ăn trong tối của mình cho đại ca. Còn bản thân gã và vợ thì lui về cánh gà, làm cố vấn và hỗ trợ cho Hạ Hầu Duyệt tiếp quản cơ ngơi cũ của họ thôi.

Trường Mệnh Trùng lăn lộn giang hồ bao năm nay, thủ đoạn giữ mạng cùng tính cẩn thận đã được rèn giũa, lại thêm tài ăn nói cùng sự trợ giúp của hai vợ chồng Chu – Hoàng, thành thử cũng không mất quá nhiều thời gian để các mối quan hệ làm ăn cũ của ông chủ Hoàng tiếp nhận “tổng quản” mới. Thậm chí, chả biết là ai bắt đầu, nhưng gần đây, mọi người trong thành Bạch Đế còn bắt đầu gọi Hạ Hầu Duyệt là “Hạ Hầu Tổng”.

Quay lại kể chuyện trong phòng nhỏ hiện tại. Họ Lã ăn vài miếng, thấy nem chua Hạ Hầu Duyệt lấy ra được bảo quản rất tốt, vẫn còn mát thì cũng có chút ngạc nhiên.



Phải biết, tuy Nguyễn Đông Thanh bày món dân dã này cho ải Quan Lâm làm món bình dân, cũng không hề dặn bọn họ che giấu công thức, nhưng dù gì Huyền Hoàng giới cũng chẳng phải Địa Cầu, các loại vi sinh gây hại thì nguy hiểm hơn mà trình độ công nghệ lại kém xa. Chỉ nguyên mấy loại kỹ thuật như cấp đông, giữ mát cũng đã cần cường giả Vụ Hải nhúng tay rồi. Thành thử, ở Quan Lâm thì món này đúng là đầy đường, nhà nào cũng có, nhưng tại các nơi khác, thì nem chua chẳng khác nào món ăn của quý tộc. Nếu không có quan hệ rộng rãi, quen biết trù sư cấp cao, hoặc có tiền để mua lại từ đám thương lái, thì muốn ăn món này cũng chỉ có cách chạy đến ải Quan Lâm.

Việc Hạ Hầu Duyệt nhờ mạng lưới quan hệ mà mua được giá rẻ từ đám lái buôn thì thiếu niên họ Lã có thể đoán được một hai, thế nhưng việc gã bảo quản bằng cách nào... thì y cũng vô cùng tò mò. Hỏi ra thì họ Hạ Hầu chỉ cái tủ nhỏ trong phòng, nói:

“Chả giấu công tử, xá muội vốn thích làm mộc, mấy bữa trước từng nghe một vị bằng hữu nói vui mấy câu, tiện tay chế ra cái ‘tủ lạnh’ này. Tại hạ lại nhờ quan hệ với một vị đại nhân trong phủ thành chủ, xin được y dùng thần thông tạo cho một khối băng tan chậm lót vào trong.

“Từ đó cái tủ này có thể làm lạnh đồ ăn, bảo quản được lâu hơn chút. Mỗi tội, cứ mấy tháng tại hạ lại phải dùng thần thông gia cố lại tấm băng. Tuy hiệu quả không được như đại nhân, nhưng vẫn may đủ dùng.”

Thiếu niên họ Lã nghe vậy thì cũng không hỏi thêm. Cái “tủ lạnh” này, nghe qua thì hay đấy, nhưng chả mấy thực dụng. Bản thân cái tủ thì chỉ cần kiếm một thợ thủ công lành nghề thì ai cũng có được, cái duy nhất đặc sắc là khối băng kia. Thế nhưng... quá tốn kém. Thế lực đủ lớn để có thể được một vị cường giả đã vào Vụ Hải giúp cho một việc cỏn con như thế thì cũng thừa sức mua nem chua bất cứ lúc nào. Còn người có thể cần đến cái tủ này thì đâu phải ai cũng có quan hệ rộng như Hạ Hầu Duyệt để mà nhờ?

Lại nói, tuy họ Hạ Hầu không nói hẳn ra, thế nhưng với tu vi tứ cảnh của gã, dù có thể dùng thần thông gia cố lại tấm băng, nhưng cũng chỉ được vài năm là sẽ hết tác dụng, lại phải nhờ cường giả Vụ Hải giúp lần nữa. Thế nhưng, có lẽ cũng vì lý do này mà Hạ Hầu Tổng không hề có ý giấu giếm mà cứ yên tâm nói tường tận về lai lịch của cái tủ này. Biết càng rõ thì lại càng chẳng có ai thèm mang tâm tư đi trộm cướp nó...

Lã công tử lắc đầu, chuyển chủ đề nói về chính sự. Sau một hồi bàn bạc cùng Hạ Hầu Duyệt, giao dịch đạt đến thành công. Thiếu niên họ Lã giao tiền cọc rồi đứng lên chuẩn bị rời đi, thì chợt nhớ ra chuyện gì, bèn nói:

“Hạ Hầu Tổng, đa tạ chuyện hôm nay. Trước khi tạm biệt, để tại hạ xem cho ngài một quẻ lấy may.”

Đoạn, cũng không chờ Hạ Hầu Duyệt kịp mở miệng đáp ứng hay từ chối đã nói tiếp:

“Số mạng ngài cũng thật thú vị. Tuy long đong lận đận nhưng lại hữu kinh vô hiểm. Ngài phúc tuy nhỏ nhưng mạng lại lớn, tuy thường xuyên gặp nạn nhưng cũng thường xuyên gặp hung hóa cát.”

Ngưng một chút, Lã công tử nhíu mày, đoạn tiếp:

“Trong dạo thời gian trước mắt, nạn của ngài có liên quan đến binh đao. Ngoài ra, còn có liên quan đến...”

Nói đến đây thì chân mày của họ Lã nhíu càng chặt, mồ hôi chảy thành từng hột trên trán:

“Một chữ... Thủy.”

Chữ cuối này như rút hết sức lực của Lã công tử. Cậu chàng vội lau mồ hôi, nói lời cáo từ, rồi đi thẳng. Ra ngoài, đi xa khỏi quán nước một quãng, thiếu niên vịn vào một gốc cây, nôn ra một búng máu, sắc mặt tái mét, không nhịn được mà rủa một câu:

“Mẹ kiếp, thằng cha họ Hạ Hầu này chuẩn bị đắc tội vị đại nhân vật nào mà bản thiếu chỉ muốn tra cái tên thôi cũng chật vật như vậy?”

Tái bút: cái dự đoán khiến Lã công tử hộc máu đúng là vì bói đến anh Thanh nhà chúng ta đấy. Tạm thời hiểu là “Đông” trong “mùa đông”, “Thanh” trong “thanh tao, trong sạch”, nên tên hắn có cả bộ “băng” và bộ “thủy”.

Số chương còn lại hôm nay: 3 chương ngoại truyện.
BÌNH LUẬN
Bạn cần đăng nhập để bình luận