Sĩ Vì Tri Kỷ

Chương 145: Cốt trong cốt. Bốn

Đợi đến khi chàng quay lại Cầm Uyển, Tử Thanh đã uống xong thuốc, do tinh thần không tốt, đã tự lên tháp ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Bọn gia nhân cũng không dám quấy rầy, chỉ giúp cô đóng cửa kỹ lưỡng tránh bị gió thổi.

Thấy cô ngủ rất mệt mỏi, Hoắc Khứ Bệnh cũng không gọi tỉnh cô, chỉ nhẹ bế cô về giường, dém lại chăn mỏng. Cả đêm chàng không ngủ, thế là giữ nguyên áo lên giường nằm, nhắm mắt dưỡng thần.

Mưa rơi tí tách tí tách.

Trong thành Trường An, ý thu dần đậm.

Từng ngày từng ngày trôi qua, được sự chăm sóc cẩn thận của Hoắc Khứ Bệnh, chân bị thương của Tử Thanh phục hồi rất tốt, đã có thể chống nạng chầm chậm tập đi lại ngoài hiên. Có điều phần vết thương da thịt bị gai ngược cây roi gây ra vẫn không tránh khỏi để lại dấu tích rõ ràng, dù sao cũng là con gái, nhìn trên đùi có một mảng vết thương lớn rất khiếp đảm, Tử Thanh cũng không kìm được nhíu mày.

“Có để sẹo cũng không cần phải căng thẳng.” Sau khi Hoắc Khứ Bệnh giúp cô thay thuốc, cố ra vẻ ung dung cười nói, “Dù sao thì ngoài ta ra cũng đâu có ai nhìn thấy.”

Tử Thanh giấu chân lại vào trong chăn, miễn cưỡng cười nói: “Thôi sau này để tự em thoa thuốc đi.”

“Sao thế, sợ ta ghét bỏ em à? Yên tâm.” Hoắc Khứ Bệnh cười rộ, “Mặc kệ dáng vẻ em có thế nào, em có là đàn ông ta cũng dám muốn em mà!

Từng có chuyện xưa, Tử Thanh biết Tướng quân tuyệt đối không phải nói ngoa, cảm động qua đi lại khó tránh khỏi thấy hơi chột dạ, tự biết khó báo đáp tấm thâm tình này của ngài.

Nhìn cô đăm đăm một lát, tựa như biết suy nghĩ của cô, Hoắc Khứ Bệnh cũng không ép, đứng dậy cười vang: “Hôm nay thời tiết rất tốt, mấy nay em chỉ dưỡng thương, ngột ngạt muốn điên đúng không? Ta dẫn em ra ngoại ô Trường An một chút nhé? Đi ra phía Đông có một cánh rừng phong lớn, đương lúc lá nhuộm đỏ sương, em ngắm chắc chắn sẽ thích.”

“Ra khỏi thành đi? Nhưng chân của ta…”

“Không ngại có chuyện, chỉ là vào rừng ngồi một chút, không cần em chạy khắp núi đồi đâu.”

Hoắc Khứ Bệnh sai gia nhân đi chuẩn bị xe ngựa, rồi sai người cầm áo bào mặc ra ngoài đến cho Tử Thanh thay, suy nghĩ một lát, lo ở ngoại thành gió mát, bèn lệnh gia nhân xếp theo áo choàng, rồi mới bế Tử Thanh ra ngoài.

“Tướng quân, tự em đi được mà.” Bị Hoắc Khứ Bệnh bế trước mặt người khác, Tử Thanh quả thực mất tự nhiên cả người, cuống quýt đẩy chàng ra nói.

“Đừng nhúc nhích.” Chàng nói, “Không ngoan thì đánh gãy chân kia luôn giờ.”

Tử Thanh thất thần, nhìn chàng.

“Sợ rồi sao?” Chàng liếc xéo, nhanh chân đi tới.

Tử Thanh bật cười, không còn cách nào khác đành dúi đầu vào trong ngực chàng, né tránh ánh mắt người bên ngoài.

Gia nhân Hoắc phủ không thấy quái lạ, ai nấy cúi đầu cụp mắt làm chuyện của mình, đợi Tướng quân đi qua, mới trộm nhìn lại, hoặc bùi ngùi, hoặc thổn thức, hoặc hâm mộ…

Ngồi lên xe ngựa, thả màn xe xong, Tử Thanh mới cảm thấy tự tại hơn nhiều, nhìn thấy bên cạnh còn đặt một cây thất huyền cầm bao bằng gấm, bèn ngó Hoắc Khứ Bệnh…

“Biết đàn không?” Hoắc Khứ Bệnh hỏi cô.

Cô lắc đầu.

“Muốn học chứ?” Chàng lại hỏi.

Tử Thanh giật mình, do dự một đỗi, vẫn lắc đầu. Nghĩ đến lúc chân hết bị thương, có lẽ chẳng mấy chốc cô sẽ rời Trường An, giả như bây giờ mà học đàn hẳn sẽ bỏ dở nửa chừng.

Hoắc Khứ Bệnh bình tĩnh nhìn cô một hồi, mới khẽ cười: “Không học cũng được, lúc nào muốn nghe còn có ta.”

Không khí cuối thu sảng khoái, ven đường thi thoảng có xe ngựa chạy qua, còn có vài trai trẻ lưng đeo túi tên cưỡi ngựa ra ngoại ô đi săn hăng hái chạy qua. Từ trong khe màn nhìn ra ngoài, Tử Thanh thấy đa phần họ đều vận áo gấm, có tùy tùng vây quanh, chắc là con nhà giàu có trong thành Trường An.

Hoắc Khứ Bệnh hờ hững liếc nhìn bên ngoài, tựa như ngại quá nhiều người, đi tới lối rẽ bèn dặn phu xe rẽ vào con đường nhỏ bên trái, quả nhiên vết chân càng đi càng ít dần.

Đi thẳng vào trong rừng, phía trước không còn dấu vết đường đi dành cho xe ngựa, Hoắc Khứ Bệnh mới lệnh phu xe dừng lại, ôm Tử Thanh xuống xe.

“Ở đây khá yên tĩnh,” chàng chỉ rừng phong trước mặt bảo cô, “xuyên qua khu rừng này, phía trước còn có một đầm nước, rất ấm áp. Trước kia mỗi lần đi săn xong, ta thường lại đây ngâm mình một lúc mới về.”

Có lẽ là do rất hiếm người lui tới khu vực này nên trên mặt đất lá rụng tích tụ một lớp rất dày, đạp lên rất dễ chịu. Gió rừng mát rượi nhè nhẹ linh hoạt quẩn quanh mình, Tử Thanh thử chậm rãi bước một bước, sau đó hơi ngước lên, ở đây yên tĩnh thật, ngoài thi thoảng có vài tiếng chim hót, xung quanh rất yên ắng. Lá phong chuyển màu lớp lớp như mây tung bay trên đỉnh đầu, chói lọi như lửa.

Không biết sao, cảnh tượng này hình như trùng khớp với một hình ảnh nào đó sâu trong ký ức, cảm giác quen thuộc chạy lên khắp đầu, cô kinh ngạc nhìn quanh…

“Suy nghĩ gì thế?” Hoắc Khứ Bệnh nhìn ra cô bị giật mình, hỏi.

Tử Thanh hoàn hồn, trong mắt có một tia thất vọng mất mát: “Còn nhớ lúc chúng ta đi Lâu Lan chứ ạ…”

Gió thổi qua, lá reo xào xạc, Hoắc Khứ Bệnh hơi sực tỉnh, cũng chợt nhớ tới vạt rừng hồ dương trên đường đi Lâu Lan, mặt đất đầy lá vàng óng rơi trải khắp, chim hồng hạc bay qua thành đàn trên bầu trời, cũng giống những áng mây đỏ rực như thế này.

“… Có tin tức gì của cậu ấy không ạ?” Tử Thanh không kìm được hỏi Hoắc Khứ Bệnh, từ ngày từ biệt cùng Oman ở đình toại đã không còn nghe tin cậu ấy.

Hoắc Khứ Bệnh lắc đầu.

Có lẽ kiếp này khó mà gặp lại, Tử Thanh im lặng một lát, vì che giấu cảm xúc, cô vịn cây, đi tới hướng đầm nước Hoắc Khứ Bệnh vừa nhắc đến, chầm chậm dò từng bước một: “Em đi xem đầm nước kia thử.”

Ra hiệu phu xe chờ tại chỗ, Hoắc Khứ Bệnh đeo thất huyền cầm trên lưng, đuổi kịp Tử Thanh, vịn cô nói: “Đau thì nói, không được ỷ mạnh.”

“Dạ.”

May mà đoạn đường này cũng không xa, đi một lúc, cây cối thưa dần, nhìn ra trước mặt, là một đầm nước xanh biếc.

Hiển nhiên là với khu vực này Hoắc Khứ Bệnh rất quen thuộc, vạt ra một cỗ cỏ dại, để lộ một phiến đá xanh bằng phẳng bóng loáng cho Tử Thanh ngồi nghỉ ngơi.

Còn chàng ngồi xuống đất, dỡ túi đàn, đặt thất huyền cầm trên hai đầu gối, tùy ý gảy mấy cái thử âm.

m sắc trong vắt, hùng hậu.

Ao nước bị gió thổi lên vài vòng gợn sóng, thoảng như vì tiếng đàn mà thay đổi.

Nghe như hài lòng với âm sắc, Hoắc Khứ Bệnh nhướng mày, hỏi: “Muốn nghe từ khúc gì nào?”

“Từ khúc? Thứ này… em biết không nhiều.” Tử Thanh hổ thẹn nói, nhắc đến thất huyền cầm, lúc ở nhà họ Dịch thi thoảng cô cũng được nghe tiên sinh đàn, nhưng về đàn khúc thì đúng là cô chẳng biết một nốt nào.

Hoắc Khứ Bệnh không thể làm gì khác hơn là lườm cô, tay trái đè phách, tay phải gảy nốt, tiếng đàn dưới ngón tay chàng chảy xuôi, róc rách leng keng, như dòng nước lạnh chảy giữa chốn vắng vẻ âm u, lạnh lùng, lại nhỏ mảnh như rễ tùng, hòa làm một thể cùng non nước này…

Cho dù không hiểu âm luật, Tử Thanh cũng có thể cảm giác được khúc đàn như nước chảy, thấm vào ruột gan, đợi khúc kết thúc, cô vừa định hỏi tên khúc là gì thì bỗng nghe có tiếng người từ trong rừng truyền đến.

“Xích Di đường huynh, huynh bảo ở đây chắc chắn chẳng có người đến, sao lại có người ở đây đánh đàn?” Giọng một cô gái, trong trẻo êm tai.

Chỉ nghe bốn chữ “Xích Di đường huynh”, Hoắc Khứ Bệnh đã biết người tới là ai, lông mày không khỏi hơi nhíu.

Ngay sau đó lại nghe có giọng một chàng trai: “Ở đây rất vắng, sao lại có ai đến chứ, nếu công chúa không thích, đuổi chúng đi là được.”

“Thế thì không cần, ta lại thấy khúc đàn này hay đấy…” Đang nói, người đã từ trong rừng đi ra.

Tử Thanh nhìn thấy đó là một thiếu nữ tuổi chừng mười bảy mười tám, bên cạnh còn có một công tử, cả hai đều ăn vận sang trọng gấm vóc, sau lưng bảy tám người hầu theo sau.

“Biểu huynh!” Thiếu nữ đột nhiên gặp được Hoắc Khứ Bệnh ở chốn này, không giấu được nỗi vui mừng kinh ngạc, “Hóa ra là Khứ Bệnh biểu huynh ở đây đánh đàn.”

Hoắc Khứ Bệnh thả Thất huyền cầm xuống, thi lễ với hai người: “Công chúa, Quân Hầu, tình cờ gặp trong núi, thật may.”
BÌNH LUẬN
Bạn cần đăng nhập để bình luận