Mật Mã Tây Tạng

Chương 184: Thôn Công Nhật Lạp

Mã Cát cuống quýt đứng dậy, trên gương mặt hiện lên hai ráng mây ửng hồng, bộ dạng nửa muốn từ chối nửa không, vừa bất an lại vừa thích thú đó khiến quả tim Trương Lập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, nhất thời còn chẳng có cả sức lực đứng lên. Mã Cát bối rối đưa mắt nhìn quanh, cũng may là không có ai, nhưng cô nào có biết, toàn bộ cảnh tượng ban nãy đều đã được thiết bị thông tin liên lạc gắn trên mắt Trương Lập truyền tới tất cả những người khác không sót một chi tiết nhỏ nào rồi.

Nhạc Dương bất mãn kêu lên: "Vậy cũng được à! Cường Ba thiếu gia, tay Trương Lập này thật là quá đáng hết mức!"

"Cái gì? À? Ờ." Trác Mộc Cường Ba vẫn đang hồi tưởng lại những ngày đồng hành với Sean trong rừng rậm ở châu Mỹ.

Đường Mẫn cười hì hì nói: "Thế thì sao đâu chứ, Trương Lập giỏi đấy. Nhạc Dương, anh cũng phải cố lên đó."

"Hừ, thế thì có gì khó?" Nhạc Dương thầm nhủ, từ lâu đã nghe nói Tây Tạng có rất nhiều truyền thuyết về Mỹ nhân tộc, Mỹ nhân cốc gì gì đó, nguyên một làng chỉ toàn là mỹ nữ, chủ yếu là vì vùng này có địa thế tốt, chất nước tốt... vùng đất Shangri-la này tuy là hơi nhiều quái thú một chút, nhưng xét về cảnh sắc sơn thủy thì đúng là chẳng cần phải nói rồi. Biết đâu làng của Mã Cát lại chính là một "ngôi làng mỹ nhân" đúng tiêu chuẩn trong truyền thuyết thì sao. Vả lại, với tầm nhìn hạn hẹp của họ, nói không chừng chỉ cần một cái đèn pin hay vài viên bi thủy tinh gì gì đó là đã đổ ràn rạt hết cả rồi cũng nên.

Chỉ thấy Mã Cát chỉnh trang lại quần áo, bước tới bên cạnh một cây không cao lắm trong rừng, cung kính chào: "Chú Lang Ca, chú vẫn khỏe chứ ạ? Mã Cát về rồi." Nói đoạn, cô đưa tay lên vuốt khẽ lên thân cây. Gió thổi cây lay, tán lá kêu rì rào rì rào.

Trương Lập đã ngồi dậy, thấy vậy bèn thầm nhủ, lại trò gì nữa đây? Nghi thức trước khi về làng sao? Chỉ thấy Mã Cát đã quay mặt về phía mình, lại nói tiếp: "Chú Lang Ca, đây là anh Trương Lập, bọn họ là người từ bên ngoài đến đó, Mã Cát chuẩn bị đưa họ về làng đây." Nhìn bộ dạng cô như thể đang giới thiệu Trương Lập với ai đó vậy, nhưng trước mặt Mã Cát rõ ràng là một cái cây chứ chẳng có ai hết. Kế đó, Mã Cát lại trịnh trọng giới thiệu với Trương Lập: "Anh Trương Lập, đây là chú Lang Ca, trước đây chú ấy yêu quý Mã Cát lắm đó."

Trương Lập nghe thấy hai chữ "yêu quý", tức thời cảm thấy bàn tay đang vuốt ve lên thân cây của Mã Cát cũng khá giống như đang vuốt ve gương mặt người tình, đầu anh như muốn nổ tung... Đó rõ rành rành là một cái cây mà, chẳng lẽ nàng tiên Mã Cát này... Cô... trí lực của cô có vấn đề hay sao? Lúc này, những người khác cũng đều đã đến nơi, lần lượt hạ xuống khoảng đất trống. Mã Cát lại giới thiệu ông chú Lang Ca đó với từng người một, giống như thể giới thiệu một người thân rất quan trọng của mình vậy. Nét mặt mọi người đều giống như Trương Lập, cũng cảm thấy không hiểu Mã Cát có vấn đề ở đâu đó hay không, chỉ có mình pháp sư Á La là nghiêm nghị bước đến gần, quan sát thân cây không lớn lắm đó một cách kỹ lưỡng.

Cái cây đó đã cao chừng ba mét, lá cây chĩa ra các phía, đường kính thân cây chỉ khoảng nửa mét, phần dưới thân cây có mấy chỗ gồ lên như những con rắn quấn vào thân cây. Pháp sư Á La dè dặt hỏi: "Vì sao mà chú Lang Ca này lại bị trồng ở đây vậy?"

Mã Cát thoáng lộ nét u buồn, đáp: "Chú Lang Ca chẳng làm gì sai cả, là Đại Địch ô của vương quốc nói con trai chú ấy đã đầu hàng quân địch, vì vậy, chú ấy bị trồng ở đây. Trước khi chú Lang Ca hoàn toàn thụ hóa, ngày nào cháu cũng mang thức ăn ngon cho chú ấy ăn đó. Hồi nhỏ chú Lang Ca tốt với cháu lắm mà..." Kể tới đây, Mã Cát lắc đầu thật mạnh, tựa hồ muốn hất những chuyện thương tâm đó ra khỏi ký ức, rồi cô nói nhanh: "Thôn làng ở ngay phía trước đây thôi, để cháu dẫn mọi người vào nhé, cẩn thận có bẫy đấy."

Trương Lập đứng lên mới phát hiện vết thương trên cánh tay có máu rỉ ra, chắc là lúc nãy khi chạm đất vết thương lại bị toác ra nữa. Anh cứ mặc kệ đó, bước tới sau lưng Mã Cát hỏi: "Chú... chú Lang Ca ấy, là người hả?" Mã Cát ngừng bước, gật gật đầu, rồi lại tiếp tục đi trước dẫn đường.

Đằng sau, Nhạc Dương cũng đang hỏi pháp sư Á La: "Pháp sư, cái cây đó là thế nào vậy?"

Pháp sư Á La chăm chú nhìn vào thân cây, đáp: "Thụ nhân trong truyền thuyết đó, không ngờ lại là sự thật."

Nhạc Dương thắc mắc: "Thụ nhân trong truyền thuyết?"

Pháp sư gật đầu đáp: "Ừm, trong các điển tịch cổ có ghi chép, có thể xem như là một loại cổ độc vậy. Theo những gì viết trong kinh thư, người ta sẽ cấy một loại hạt giống thực vật vào cơ thể nạn nhân, hạt giống ấy sẽ hút hết chất dinh dưỡng trong máu để sinh trưởng, sau đó từ từ biến người trúng cổ độc thành một cái cây. Tuy chưa từng được thấy loại cổ độc trong truyền thuyết ấy, nhưng từ lúc đội trưởng Hồ Dương ngồi gãy khúc rễ cây đó, tôi đã nghi nghi rồi."

Đường Mẫn bước theo sau, cất tiếng hỏi: "Hạt giống sinh trưởng bên trong cơ thể người, làm sao được chứ?"

Pháp sư Á La giải thích: "Ở Tây Tạng có một loại đông trùng hạ thảo rất nổi tiếng, chắc mọi người đều nghe nói đến rồi phải không?"

Đông trùng hạ thảo thì chẳng ai lạ lẫm gì, mùa đông là côn trùng, bị nấm và vi khuẩn tấn công, nó sẽ chôn mình xuống dưới đất, sang năm sau, trên đỉnh đầu con côn trùng ấy sẽ mọc lên một loại thực vật họ cỏ, thân thể côn trùng chỉ giữ lại vẻ bề ngoài, còn về cơ bản đã bị thực vật hóa cả rồi. Đội trưởng Hồ Dương lại hỏi tiếp: "Nhưng mà, dù sao cũng là nấm khuẩn... đây... đây là cả một cái cây to cơ mà?"

Pháp sư Á La nói: "Thì cũng có thể coi cái cây này như một loại nấm khuẩn khổng lồ. Phải biết rằng, ở tầng dưới kia chúng ta đã gặp những thực vật họ dương xỉ cao tới cả trăm mét, chúng cũng lớn lên từ những bào tử nhỏ bé thôi. Thế giới bao la, điều kỳ lạ nào mà chẳng có thể xảy ra chứ."

Mã Cát đi đằng trước không ngừng nhắc nhở Trương Lập: "Đừng đi sang bên trái đấy!" "Giới hạn là cái cây bên phải kia kìa, không được vượt qua đó đâu nhé!" "Nhìn thấy cái dấu trên thân cây kia chưa, nghĩa là tuyệt đối không được lại gần đấy!"

Những câu trả lời của Trương Lập càng khiến Mã Cát kinh ngạc hơn: "À, bên trái là hố bẫy đúng không, bên trong chắc là có cọc gỗ chứ gì?" "Đằng sau cái cây bên phải ấy có lưới à? Trên lưới có gắn thêm lưỡi đao nữa không?" "Thấy dấu hiệu rồi, khì khì, bước lại gần đó đạp trúng chốt bẫy, thì cọc gỗ nhọn giấu trên thân cây sẽ sập xuống, đúng không?"

Mỗi lần nghe trả lời, Mã Cát đều mở to đôi mắt ra, thốt lên: "Chà, sao anh biết vậy?"

Trương Lập thầm thấy tức cười, những loại bẫy này chỉ dùng để đối phó với bọn thú hoang, tất nhiên là chỉ cần nhìn thoáng một cái đã nhận ra rồi. Có điều, cũng phải nhờ đến giáo quan huấn luyện, coi như không uổng công hai năm trời vất vả.

Vừa đi vừa nói chuyện, cuối cùng đã đến thôn Công Nhật Lạp, ai nấy đều nhất loạt phát ra một tiếng kêu đầy kinh ngạc. Sự thần kỳ của thiên nhiên vĩ đại, thực đúng là dẫu rằng có nhìn ngắm bao nhiêu cũng không thể nào thưởng thức hết cho được. Chắc là do núi lửa làm lòng núi nứt vỡ sụt xuống, những khối nham thạch khổng lồ nhô ra tua tủa, trước mặt bọn Trác Mộc Cường Ba hiện ra một cái đỉnh ba chân khổng lồ. Chân đỉnh cao khoảng chừng hai ba trăm mét, khoảng cách giữa các chân lên đến hơn nghìn mét, thân đỉnh có hình dáng như một chiếc khay tròn, phần đáy ít nhất cũng phải rộng bằng mười mấy cái sân bóng đá gộp lại. Một dòng thác lớn cuồn cuộn chảy từ tầng bình đài thứ ba, đổ vào trong đỉnh, rồi xuôi theo các chân đỉnh ngoằn ngoèo chảy xuống. Thoạt nhìn, trông như thể phần dưới của tòa tháp Đông Phương Minh Châu ở Thượng Hải được phóng to lên vô số lần, hoặc bảo là một tòa kim tự tháp bị khoét rỗng ruột, chỉ còn lại phần khung giá cũng không sai cho lắm. Mã Cát nói, thôn làng của họ ở ngay bên dưới cái đỉnh đá khổng lồ này.

Phòng ngự ngoại vi của ngôi làng này về đại thể cũng giống như thôn Công Bố, đều bọc quanh bằng tường đất nện, bên trên cắm đầy chông nhọn hoắt, chỉ khác một chút là, ở chân tường và một số khoảng trống có bố trí thêm một tầng lưới sắt gắn móc câu ngược, có vẻ như để phòng ngừa một số loài động vật cỡ nhỏ, như lũ gián kia chẳng hạn.

Vừa vòng qua bức tường đất, lại có thêm mấy tiếng kêu kinh ngạc nữa. Vẻ đẹp thanh bình tĩnh lặng của ngôi làng, và hiểm nguy bốn bề trong rừng sâu, thật là một sự đối lập mạnh mẽ chẳng khác nào thiên đường và địa ngục.

Cả thôn Công Nhật Lạp rộng khoảng ba trăm héc ta, địa thế bằng phẳng thông thoáng, từ đầu thôn có thể nhìn thẳng tới cuối thôn, sắc xanh phủ kín cả tầm mắt, một dòng sông nhỏ uốn theo hình chữ "S" chảy từ trên xuống dưới, vòng qua bốn năm khúc quanh chảy qua thôn làng. Nhưng điều làm bọn Trác Mộc Cường Ba phải trầm trồ kinh ngạc, chính là những căn nhà ở đây. Những ngôi nhà lặng lẽ nằm tản mác giữa một vùng xanh ngắt, vừa lộn xộn nhưng cũng rất có trật tự ngay ngắn, hòa thành một thể thống nhất với đồng cỏ xanh tươi mát mắt, hoàn toàn trọn vẹn. Những ngôi nhà thấp hơn một chút, thì giống như nơi ở của giống loài tinh linh trong thần thoại phương Tây, có mái tròn nhọn hoắt và thân nhà hình trụ; những ngôi cao hơn, thì như các cối xay gió trên thảo nguyên Hà Lan vậy, trước nhà có ba bốn cây cao lớn, sau nhà có vườn hoa, nhìn rộng hơn nữa, bốn bề là một vùng thảo nguyên ngút ngàn xanh ngắt. Càng khó tin hơn nữa là, tất cả nhà ở đây đều không hề có dấu vết gì của bàn tay con người, những đường nét cổ phác đơn sơ đó, trông như thể gió thiên nhiên đã bào mòn nhào nặn đá núi mà ra vậy.

Nhất thời, tất cả mọi người đều liên hệ vẻ đẹp ấy với Mã Cát, chắc cũng chỉ ở một nơi thế này, mới có thể sinh ra được một nàng tiên ngây thơ trong sáng như cô mà thôi. Đội trưởng Hồ Dương còn thất thanh thốt lên kinh ngạc: "Ống khói tinh linh! Ống khói tinh linh!" 1

"Đó là cái gì vậy?" Nhạc Dương tò mò hỏi.

Đội trưởng Hồ Dương hưng phấn giải thích: "Là một loại địa mạo núi lửa, khi dung nham lạnh đi, do chịu nhiệt không đều và tác dụng của ngoại lực mà rạn nứt thành dạng trụ, tác dụng của gió trong suốt hàng triệu hoặc hàng trăm triệu năm đã mài giũa chúng thành hình dạng như cây nấm. Tùy theo mức độ kiên cố của nham thạch, nhiều chỗ có thể trực tiếp đục thành những căn phòng đá ở bên dưới, tạo thành một nơi ở thiên nhiên. Có thể nói, đây là những căn nhà kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người."

Đi qua cổng thôn làng, liền thấy một tấm bia đá, nét chữ bên trên đã mờ tịt, gắng gượng lắm cũng chỉ nhận ra được mấy chữ như "tân nghiêu, nguyệt huy..." gì gì đó. Theo suy đoán của pháp sư Á La, ngôi làng này đã tiến vào Shangri-la ẩn cư từ khoảng năm 647 sau Công nguyên, dựa theo ghi chép trên văn bia, họ là một nhánh của bộ tộc Vi Đạt của nước Đại Bằng. Theo đó suy ra, tổ tiên của họ chắc hẳn thuộc nhóm những người không chịu quy thuận sau khi Tượng Hùng bị Thổ Phồn đánh bại.

Mã Cát nghe bọn họ bàn luận mà lấy làm mê hoặc, tới khi Trương Lập lắp bắp dùng tiếng Tạng cổ giải thích xong, cô liền kinh ngạc kêu lên: "Mọi người... mọi người... nhận ra được những văn tự trên đó sao? Trời ơi, những chữ này đến cả Địch ô đại nhân cũng không đọc được nữa đó!" Thì ra, người trong thôn làng của Mã Cát đều nói tiếng Tạng cổ, nhưng lại chẳng có ai biết chữ Tạng cổ cả.

Ba Tang thì lại dồn sự chú ý vào một cái đỉnh lớn cạnh cổng làng, hoặc có thể nói là một thứ bằng kim loại trông hơi giống cái vạc lớn. Vật này cao khoảng gấp đôi người bình thường, có bốn chân, bụng tròn, phần thân như một cái nồi cỡ đại, dưới đáy cũng có dấu vết ám khói. Nhưng dùng cái nồi cỡ đại này để nấu cái gì chứ nhỉ? Dùng nồi kiểu này, sợ rằng cả làng ra ăn cũng chẳng hết.

Trương Lập cũng tò mò không biết cái nồi lớn ấy dùng để làm gì. Mã Cát nói, dùng trong tế lễ, sau buổi lễ, thức ăn trong đó đúng là được phân phát cho cả làng cùng ăn. Nói tới đây, cô bỗng nheo mắt cười cười nhìn Trương Lập, bảo: "Có điều, nó còn một tác dụng khác nữa cơ." Khi Trương Lập hỏi là gì, Mã Cát dường như nghĩ tới điều gì đó, sắc mặt đỏ ửng lên, dẫn cả bọn vào trong làng, miệng lí nhí đáp: "Sau này mới cho anh biết."

Trác Mộc Cường Ba đưa mắt nhìn quanh thôn làng, quanh quanh đó áng chừng có khoảng năm ba chục nếp nhà, mỗi nhà đều có chuồng nuôi gia súc, có khoảnh đất ruộng khá lớn, có điều, những người gã trông thấy chỉ toàn là người già cùng với đàn bà trẻ con.

Đàn ông đàn bà ở đây đều chít khăn trên đầu. Nhìn kiểu buộc khăn, rõ ràng họ thường dùng đầu để đội hàng hóa vật dụng. Bên trên họ khoác một loại áo cộc không cổ, không móc cài, phía dưới mặc một thứ khá giống váy quây, có người già khoác một dạng giống áo gi lê, lại có người khoác tấm áo rộng một mét, dài hai ba mét, quấn lại trước ngực rồi hất ra phía sau; các bé gái đều đeo hoa tai, chừng như bằng gỗ hoặc bằng tre gì đấy, trước ngực có trang sức bằng bạc, mặc áo hoa chiết eo và váy ống dài; bé trai thì bên hông phải giắt một con dao nhỏ, nhét trong vỏ bằng gỗ, trên vỏ buộc chằng chịt các loại dây vải đủ màu.

Những người già, đàn bà và trẻ nhỏ ấy đều tò mò quan sát đám khách lạ qua ô cửa sổ gỗ, từ phía sau cánh cửa, hoặc từ những khe hở nhỏ trên bức tường thấp lè tè.

Người ở đây đen, gầy, ai nấy đều toát lên một vẻ mệt mỏi như người mới bình phục sau trận ốm nặng lâu ngày. Da dẻ người già hệt như mặt đất bị hạn hán làm cho khô khốc, để lộ ra những vết rạn nứt chằng chịt trên mặt và cánh tay; lũ trẻ con thì đầu to thân nhỏ, nấp sau lưng người lớn, len lén dòm qua, đôi mắt to tròn, đen láy. Không hiểu vì sao, khi nhìn thấy những người này, trong lòng bọn Trác Mộc Cường Ba đều chợt thấy trào lên một niềm thương cảm, như thể gặp phải một đám người đói khát thảm hại trong ốc đảo xanh trên hoang mạc, trông thật không hài hòa, khiến cho ngôi làng vốn đẹp như tranh ấy lại bị phủ lên một cảm giác tang thương của một tòa thành đổ nát trên sa mạc vào buổi hoàng hôn u ám.

Rồi cả ánh mắt của những dân làng đó nữa, người già thì lạnh lùng, cảnh giác, trẻ con thì yếu ớt, khẩn nài. Ở một nơi hoàn toàn xa lạ, bị những ánh mắt phức tạp ấy nhìn chằm chằm vào vốn không phải chuyện hay ho gì, cảm giác như thể mình là một con quái vật bị người ta soi xét vậy, khiến cho đến bước đi cũng trở nên cẩn trọng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Cũng không hiểu có phải vì cảm giác bị một đám người nhìn chăm chú quá đỗi khó chịu, hay là vì thấy đám trẻ giống như trẻ con chết đói ở châu Phi đó quá đáng thương, Mẫn Mẫn định xoa dịu bầu không khí ấy đi một chút, bèn lấy một miếng lương khô hàm lượng calorie cao trong túi ra, vẫy vẫy tay với đứa trẻ đứng gần mình nhất, nở một nụ cười thân thiết rồi nói bằng tiếng Tạng cổ: "Tới đây, tới đây!"

Đứa bé gầy gò vàng vọt ấy trợn tròn cặp mắt to đầy sợ hãi, chẳng những không dám lại gần, ngược lại còn nấp ra sau lưng một bà già, chỉ để lộ nửa gương mặt nhỏ nhắn nhìn Mẫn Mẫn với vẻ dò xét.

Tới khi Mã Cát dang rộng hai cánh tay, đứa bé mới hân hoan chạy ra từ phía sau lưng bà già, ào đến dụi đầu vào lòng cô. Mã Cát bế đứa bé lên, nói với bọn Trác Mộc Cường Ba, vì chiến tranh, tráng niên trong làng hầu hết đều đã tử trận hoặc bị sung vào làm quân cận vệ của vương quốc, hiện giờ ở đây chỉ còn lại người già và trẻ con. Vì người Hạ Qua Ba đã bị tiêu diệt, vậy nên mỗi khi đói kém, cũng chẳng có người mang hạt giống đến tặng như trước đây nữa. Bây giờ, lương thực trong thôn lúc nào cũng thiếu thốn, những người già buộc phải liều mình vào rừng bắt dã thú hoặc hái quả về ăn.

Pháp sư Á La liền hỏi: "Không phải trận chiến mười tám năm trước đã kết thúc rồi à? Sao mà..."

Lúc này, đứa bé trong lòng Mã Cát vừa được cô khích lệ, đã đưa tay nhận lấy thức ăn của Mẫn Mẫn đưa cho. Mẫn Mẫn đang dạy nó cách bóc lớp giấy bọc bên ngoài. Mã Cát mở to mắt đáp lời pháp sư: "Trận chiến mười tám năm trước thì kết thúc từ lâu rồi, nhưng sáu năm trước lại đánh nhau với Yaca một bận nữa, đánh suốt ba năm mới ngừng đó ạ."

Pháp sư Á La sực hiểu ra, vào thời điểm đó, trong Nhật ký thôn Công Bố có ghi chép về việc Thứ Tháp Nhĩ gây ra họa gì đó, họ còn đang lo cho mình chẳng xong, làm gì có ai ra khỏi thôn làng, đương nhiên cũng không thể nào có ghi chép về trận chiến tranh sáu năm về trước được.

"Trận chiến sáu năm trước, có thể xem như là kéo dài của cuộc chiến tranh mười tám năm về trước..." Dường như nhớ lại những điều thương tâm trong quá khứ, sắc mặt Mã Cát bỗng trở nên ảm đạm hẳn đi, làm Trương Lập nhìn mà thấy nhói đau trong lòng. Nghe Mã Cát thủ thỉ kể lại, bọn Trác Mộc Cường Ba đã có nhận thức rõ ràng hơn về cuộc chiến tranh nổ ra vào mười tám năm trước. Trận chiến ấy, là do vương quốc Langbu ở bên bờ biển Sinh Mệnh khởi xướng, nguyên nhân tại sao thì Mã Cát không rõ lắm, nhưng kết quả, thì phe gây chiến Langbu đã bị đánh bại, quân đội Yaca băng qua biển Sinh Mệnh, cả một vùng thôn trang lớn của vương quốc Langbu bị đại quân Yaca quét sạch, cha mẹ của Mã Cát cũng đã qua đời trong cuộc chiến ấy.

Trong lúc Mã Cát kể chuyện, đứa bé trong lòng cô lần đầu tiên được nếm thứ thực phẩm dinh dưỡng cao của Đường Mẫn đưa cho, sung sướng reo lên thích thú. Mẫn Mẫn cũng thử tiến thêm một bước tiếp xúc với nó, dang tay đón lấy đứa trẻ từ tay Mã Cát. Những đứa bé khác đang vây xung quanh cũng dần bớt cảnh giác, lần lượt quây lại gần, xin Mẫn Mẫn phát cho chúng món đồ ăn lạ kia.

Mẫn Mẫn bị quây chặt kín không sao thoát thân nổi, ánh mắt lũ trẻ lại hướng về phía Lữ Cánh Nam. Có lẽ do bản tính thiên bẩm của phụ nữ, Lữ Cánh Nam cũng bắt đầu phân phát thức ăn cho đám trẻ cùng với Mẫn Mẫn. Lại thấy hầu hết những đứa trẻ này đều suy dinh dưỡng hoặc khắp người đầy những vết thương nhỏ, nếu không xử lý tiêu độc sát trùng, e rằng rất dễ nhiễm bệnh, cô bèn vừa phát thức ăn, vừa giúp những đứa trẻ bệnh tật gầy gò xử lý vết thương. Lũ trẻ có thức ăn, chỗ nào bị thương được những cái bình nhỏ kỳ lạ xịt vào một cái là hết đau luôn, liền chạy đi khắp nơi thông báo. Tin tức vừa lan đi, Lữ Cánh Nam và Mẫn Mẫn lập tức bị dân làng vây kín không nhúc nhích nổi. Mấy người hội đội trưởng Hồ Dương cũng muốn lại giúp một tay, nhưng dân làng thấy một đám đàn ông râu ria xồm xoàm thì chẳng ai chịu tin cả. Nguồn: http://truyenfull.vn

Pháp sư Á La thì chỉ muốn mau mau chóng chóng gặp được Địch ô đại nhân của thôn làng. Xét cho cùng, họ đã quá khao khát được biết rốt cuộc đây là nơi như thế nào, cũng có quá nhiều thắc mắc cần một lời giải đáp.

1 (Fairy Chimmneys) Hay còn gọi là hoodoo, lều đá, kim tự tháp đất...

BÌNH LUẬN
Bạn cần đăng nhập để bình luận