Lương Thượng Yến - Đồng An An
Chương 10
Ta đã sớm liệu được sẽ có ngày bị hỏi như vậy.
Nhưng mà, khi câu hỏi này thật sự vang lên bên tai, cả người ta bỗng chốc cứng đờ, hai hàng nước mắt lã chã rơi xuống, cổ họng giống như bị tảng đá lớn chặn lại, cho dù có cố gắng thế nào cũng không thể mở miệng nói chuyện được.
Đang lúc khó khăn, Nghi Nhi bên cạnh đột nhiên "oa" một tiếng khóc lớn.
Nó nắm c.h.ặ.t t.a.y ta, vừa khóc vừa nói: "Bởi vì Khương phủ bây giờ chính là Thẩm phủ trước kia, nơi này vốn dĩ là nhà của chúng ta..."
Mùa hè năm Vạn Huy thứ mười lăm, Yến Châu gặp đại hồng thủy.
Cha ta giữ chức Lang trung Công bộ, được Hoàng thượng phái đi trị thủy ở Yến Châu, nhưng lại không may gặp phải chuyện đê vỡ, bị nước lũ cuốn trôi, t.h.i t.h.ể không còn nguyên vẹn.
Năm đó, trận lụt đã ảnh hưởng đến hai mươi tám huyện, khiến bốn mươi nghìn hộ dân phải ly tán, toàn bộ Yến Châu gần như mất trắng mùa màng.
Hoàng thượng nổi giận, hạ chỉ c.h.é.m đầu nhiều vị quan viên phụ trách việc trị thủy.
Tuy rằng cha ta đã qua đời, nhưng Hoàng thượng vẫn chưa nguôi giận, còn hạ lệnh tịch thu gia sản nhà họ Thẩm, đem ba mươi lăm mạng người trong nhà ta bán đi biệt xứ.
Nhà ta ở phố Cát Tường, ta và muội muội Nghi Nhi đều là ngọc ngà châu báu trong tay cha.
Nhưng tai họa ập đến bất ngờ, trong phút chốc tổ ấm tan nát, con cái phải chia lìa.
Ta đột nhiên phải chịu nỗi đau mất cha, từ đó về sau thường xuyên gặp ác mộng, không đêm nào ngủ ngon giấc.
Trong mơ, ta thường xuyên nhìn thấy cha ướt sũng nổi lềnh bềnh trên dòng nước lũ bẩn thỉu, sắc mặt trắng bệch, bụng trương phình như trâu, phần thân dưới bị cá dữ gặm nhấm đến mức không còn gì, chỉ còn lại bộ xương trắng.
Ta vừa khóc vừa chạy về phía ông ấy: "Cha, kiếp này duyên phận cha con chúng ta quá ngắn ngủi, con vẫn chưa làm con gái của cha đủ nữa, cha mau trở về đi."
Nhưng mà cha lại dùng giọng nói lạnh lẽo đến thấu xương nói với ta: "Nhưng mà Vi Nhi, cha không tìm được đường về nhà rồi."
"Cha yên tâm, nhất định sẽ có một ngày, con sẽ đưa cha trở về Thẩm phủ."
"Vi Nhi ngoan, phải sống cho ra dáng người."
...
Cha ta không có con trai, nên từ nhỏ ta đã được ông ấy dạy dỗ như nam nhi.
Thậm chí, khi ta mới bắt đầu đi học, ông ấy còn đặc biệt cho người xây dựng Lãm Nguyệt các chứa đầy sách vở trong vườn.
Ta rất thích đọc sách, từ năm sáu tuổi đến mười ba tuổi, nơi ta thường đến nhất chính là Lãm Nguyệt các.
Nơi đó có quãng thời gian thơ ấu của ta, cũng có tất cả niềm vui, nỗi buồn, niềm hạnh phúc của ta.
Bởi vậy nên sau khi đến Khương phủ, cho dù biết là không ổn, ta vẫn thường xuyên một mình ngủ lại lầu nhỏ.
Bởi vì chỉ có ở đó, ta mới có thể chợp mắt được một chút.
Sau khi biết được thân thế của ta, Khương lão gia vô cùng cảm khái.
"Trên đời này lại có chuyện trùng hợp như vậy sao? Cha ngươi từng giữ chức quan tứ phẩm, lão phu cũng là quan tứ phẩm, tuy chưa từng quen biết, nhưng cũng coi như có duyên đồng liêu, nếu như lão phu không thể giữ gìn thể diện cho ông ấy, thương xót con cháu của ông ấy, thì sau này còn mặt mũi nào làm người nữa? Huống hồ, hai ngươi còn là ân nhân cứu mạng của hơn bốn mươi mạng người trong Khương phủ ta."
Khương lão gia là người chính trực, từ đó về sau, ông ấy hạ lệnh cho tất cả mọi người trong phủ đều phải đối xử với ta và Nghi Nhi như tiểu thư nhà họ Khương.
Thậm chí, ông ấy còn cho người dọn dẹp sạch sẽ căn phòng mà hai tỷ muội ta từng ở, bảo chúng ta dọn về đó.