Lạn Kha Kỳ Duyên

Chương 131: Lời bàn tán từ chiếc lâu thuyền

Dịch: Vạn Cổ

Biên: Old_man

Dĩ nhiên Long Nữ không hề biết rõ phụ vương của mình đã gặp Kế Duyên tại đâu để rồi dẫn về thủy phủ như thế này. Do đó, nàng đưa thuyền ô bồng và Kế Duyên đến mặt sông, chỉ là cách thủy phủ tầm mười mấy dặm về phía Bắc.

Kế Duyên cứ chèo thuyền như thế, nhìn dãy núi xung quanh bằng tầm mắt mơ hồ của mình. Khi thấy cánh đồng tuyết ven sông và khu rừng mênh mông tuyết trắng kia, hắn nhận ra mình cần phải chèo một đoạn thật dài trên sông nữa để có thể quay lại vị trí câu cá ban đầu.

Trong tình hình chẳng biết lộ trình bao xa, Kế Duyên đành tăng dần tốc độ mái chèo, nhờ tăng thêm sức lực nên con thuyền bắt đầu lướt nhanh hơn.

Thật ra, mấy bác ngư dân kinh nghiệm có thể đạt đến tốc độ như Kế Duyên lúc này, cũng có thể kéo dài một hồi lâu. Chỉ là, họ không thể thong dong, ra dáng chẳng hề hao phí tí sức lực nào như Kế Duyên hiện tại.

Trong khi chèo thuyền, Kế Duyên cố gắng quan sát phong cảnh ven bờ, nhìn thấy một mảnh trắng xóa kia, hắn liền biết "trận tuyết rơi đầu mùa" cách đây ba ngày kia đã kéo dài khá lâu.

Lúc này, tốc độ của thuyền nhỏ nhanh gần bằng người thường chạy chậm. Kế Duyên phủ thêm một lớp áo tơi nữa, không hề nóng lòng tăng nhanh tốc độ con thuyền. Ngược lại, vì ăn nhiều món đại bổ và uống Long Tiên Hương tại thủy phủ, Kế Duyên cảm giác mình có đủ sức để chèo đến vị trí tận cùng của Thông Thiên Giang.

Bên cạnh đó, vì sự tồn tại của những quân cờ, Kế Duyên vẫn cứ cảm giác mơ hồ rằng Doãn phu tử có lẽ vẫn chưa đến Trạng Nguyên Độ.

Chèo đến chạng vạng, nhẩm tính đi được chừng bảy mươi, tám mươi dặm đường thủy rồi, Kế Duyên vẫn chưa đến Trạng Nguyên Độ, nhưng bất chợt hắn trông thấy một chiếc lâu thuyền đang tiến lên chầm chậm.

Lái thuyền lúc trời lạnh thế này, có lẽ chủ thuyền muốn ra sông ngắm tuyết chăng?

Mái chèo to lớn trên đuôi lâu thuyền đang chuyển động nhịp nhàng theo hai hướng trái, phải. Người hầu trên chiếc thuyền ấy bắt đầu treo đèn lồng lên. Nhìn xuyên qua ánh lửa, Kế Duyên có thể thấy mơ hồ chữ trên những chiếc đèn lồng, dù không thể thấy rõ nội dung trên đó là gì, nhưng hắn biết tất cả đều chỉ là một chữ duy nhất mà thôi.

Nếu như thế, xem ra chiếc lâu thuyền này thuộc quyền sở hữu của một gia đình giàu có nào đó, còn chữ viết trên đèn lồng chính là họ của gia đình ấy.

Thật ra, Kế Duyên đang cảm thấy khá buồn tẻ. Hắn bèn tiện tay chèo thuyền đuổi theo, vừa suy nghĩ xem họ của gia đình đó là chữ gì, vừa so sánh khoảng cách giữa hai bên.

Chèo hơn hai trăm nhịp, chiếc thuyền của hắn đã tiến gần với mục tiêu hơn. Ít ra, những con chữ đó không còn mờ nhạt rối nùi thành một cụm nữa, nhưng vẫn khó mà trông thấy rõ ràng.

Lại thêm hai trăm nhịp bấp bênh tiếp theo, Kế Duyên dần thấy được đường viền của ký tự đó, khá ngay ngắn, chỉnh tề, chứng tỏ người viết khá khéo tay.

Hắn chèo thêm ba trăm lần, rốt cuộc cũng đã có suy đoán về chữ viết trên những chiếc đèn. Nhìn tổng quan, xét theo hai bộ, trên và dưới, cùng quy cách ở giữa, có lẽ đó là chữ "Tiêu".

Thuyền ô bồng của hắn cách lâu thuyền không xa lắm. Mặc dù sắc trời tối dần, gió lạnh gào thét, Kế Duyên vẫn có thể nghe rõ tiếng nhạc du dương cùng âm thanh trò chuyện vang lên từ thuyền gỗ trước mặt.

Tại vị trí nẹp thuyền trên tầng cao nhất, vài người đứng hoặc ngồi cạnh mạn thuyền. Trong số đó, có một người đàn ông mặc áo khoác dày, đội mũ vuông trên đầu, một tên công tử trẻ tuổi hơn mặc áo choàng, đội mũ lông, và hai gã người hầu cũng ăn mặc đủ dày để kháng cự với cái lạnh.

Ngay lúc này, người đàn ông cao tuổi hơn cầm một chén rượu trong tay, nhìn xa xa về phía chiếc thuyền ô bồng đang trên đường chèo đến. Ông ta vừa uống cạn rượu, liền có người châm đầy ngay lập tức.

"Trọng Lâu, có một số việc, con không thể muốn nó như thế nào, nó liền sẽ như thế ấy. Từ nhỏ, con đã ăn ngon mặc đẹp, lớn lên dưới sự che chở của ta và mẹ con. Dù con chăm chỉ học văn, luyện võ, nhưng thử hỏi con trải qua đắng cay cuộc sống được bao nhiêu lần?"

Tên công tử đứng bên cạnh nghe thấy thế, hơi buồn:

"Phụ thân, con cũng ngậm đắng nuốt cay khi luyện tập võ công mà. Phụ thân chưa từng luyện võ, làm sao hiểu được cảm giác ấy?"

Người đàn ông trung niên cười nhẹ, đưa ngón tay, chỉ về hướng chiếc thuyền ô bồng trên mặt sông sau lưng.

"Giữa tiết trời băng giá, trên dòng sông lạnh căm, ngư dân vì kế sinh nhai mà chèo thuyền liên tục. Có lẽ, hắn không hề có bất cứ thu hoạch nào trong mấy ngày này, bụng đói mốc meo, cả người tê cóng, giữa điều kiện ăn đói mặc rét như thế mà vẫn vững tay chèo, không dám nghỉ ngơi... Con từng chịu khổ như vậy chưa?"

Nhìn theo hướng cha mình chỉ tay, gã công tử này phóng tầm mắt về phía nhánh sông nhỏ, gã trông thấy người lái đò kia vẫn chèo thuyền miệt mài. Có lẽ, người lái thuyền kia đã dần không còn đủ sức lực để đuổi theo chiếc thuyền hào nhoáng này.

Chẳng hiểu vì sao, gã công tử này khó có thể nói ra một lời phản bác nào.

Trước đây, tên thiếu gia này từng nghe người hầu kể lại rằng, cá tươi cực kỳ khan hiếm tại phiên chợ lâu. Mặc dù có vài nơi bán cá, cũng là do ngư dân vận chuyển từ nơi khác đến đây. Người ta đồn rằng, dù dùng biện pháp đánh, bắt hay thả mồi câu đều không thể câu được con cá nào trên dòng Thông Thiên Giang vào mấy ngày gần đây. Chuyện này quả thật rất kỳ lạ, dù không hề ảnh hưởng đến bọn quyền quý, nhưng những ngư dân dựa vào sông nước để kiếm ăn phải sống sao đây?

"Chẳng lẽ người ngư dân đó phải chèo thuyền tới nơi rất xa để tìm nơi thả mồi hay sao?"

"Trọng Lâu, cha và con ăn mặc cỏ da dày cộm thế nà mà vẫn cảm thấy rét lạnh. Ấy thế mà, con xem người đó đi. Gã chỉ mặc một bộ áo tơi đơn chiếc, nhưng lại cố gắng chèo thuyền không ngừng nghỉ. Nếu hắn ngừng lại, có lẽ đổ mồ hôi cũng khiến gã mất mạng đấy... Cơ mà, sao gã đó chèo thuyền nhanh đến vậy nhỉ..."

Người đàn ông đang giảng dạy đạo lý cho con trai, chợt phát hiện chiếc thuyền ô bồng nhỏ bé kia đã tiếng đến gần sát lâu thuyền này. Hơn nữa, tốc độ lướt trên mặt nước của chiếc thuyền bé nhỏ kia lại có xu hướng vượt mặt cả chiếc lâu thuyền bề thế này.

Kế Duyên đứng trên thuyền ô bồng bé tí, nhìn mấy người đang đứng trên kia. Bọn họ tỏa ra một tác phong quan lại, chắc hẳn cũng thuộc dạng quyền cao chức trọng chốn kinh kỳ.

Những lời than phiền mà Kế Duyên vừa nghe chỉ có thể xuất phát từ những gia đình quyền thế.

Gã công tử kia cũng quan sát chiếc thuyền ô bồng của Kế Duyên một lát, cuối cùng quay lại phản bác phụ thân của mình.

"Nhưng con cũng không định cưới Hồng Tú làm vợ cả, hay con nạp nàng ấy làm thiếp nhé phụ thân?"

Người cha uống cạn chén rượu ấm lòng lần thứ hai, rồi cười gằn.

"Thân phận của con là gì? Thân thế của cô ta ra sao? Con muốn dẫn một cô gái lầu xanh vào nhà họ Tiêu của ta, vậy mẹ con làm cách nào để chuẩn bị hôn sự cho hai người? Liệu con có từng suy nghĩ đến ánh mắt mà bá quan văn võ trong triều đình nhìn vào Tiêu gia chúng ta? Hơn nữa, đường làm quan của con sau này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng."

"Phụ thân! Điều lệ nào bên trong Pháp luật Đại Trinh quy định con nhà quan không được cưới kỹ nữ? Bên cạnh đó, Hồng Tú là một cô gái bán nghệ nhưng không bán thân mà!"

Rõ ràng tên công tử này đã dần giận dữ, thậm chí bắt đầu tỏ vẻ to tiếng với phụ thân của gã.

"Hừm! Nó cũng chỉ là một cô gái đê tiện mà thôi! Còn bày đặt rêu rao là bán nghệ không bán thân à? Chẳng phải con nhỏ đó đã đồng ý buông thả váy lụa trước mặt con sao?"

"Phụ thân... người đang cãi chày cãi cối mà thôi!"

Lão gia nhà quan ấy chỉ cười gằn nhẹ, im lặng một hồi, rồi trả lời:

"Ta dẫn con ra đây, để gió lạnh trên sông dài thổi vào đầu óc con, khiến con tỉnh táo ra. Nếu con vẫn cố chấp chọn con đường này, tương lai của con sẽ khốn khổ, thậm chí khổ hơn cả người ngư dân trên chiếc thuyền ô bồng kia. Phụ thân không bao giờ dối con ở điểm này!"

Lúc thuyền nhỏ của Kế Duyên lướt ngang chiếc lâu thuyền này, hắn có thể nghe rõ từng âm thanh "răng rắc" vang lên từ nắm đấm của công tử nhà nọ. Đều này chứng tỏ gã ta đang kìm nén một cơn giận dữ và không chịu cam lòng.

"Phù... Giàu có cái khổ của giàu..."

Lắc nhẹ đầu, Kế Duyên tăng sức lực lần nữa, đẩy thuyền ô bồng lao nhanh thêm một chút, tiến qua một nửa phần còn lại của chiếc lâu thuyền.

Hai bàn tay của vị công tử đứng trên chiếc lâu thuyền kia bấu chặt vào lan can gỗ, để lại một vết hằn nhợt nhạt. Tuy vậy, gã bỗng dõi mắt nhìn chiếc thuyền ô bồng bé tí đang chuyển động kia. Dường như con thuyền nhỏ này đang giãy dụa, muốn vượt qua chiếc lâu thuyền to tướng này. Bất chợ, có lẽ gã đã hiểu ra một điều gì đó trong lòng, lực siết bàn tay ấy cũng yếu dần ngay khoảnh khắc đó.

Trong thoáng chốc, Kế Duyên bỗng cảm giác là lạ trong lòng, nghiêng đầu nhìn lại phía sau lưng, trông về hướng gã công tử kia. Tên thiếu gia trẻ tuổi ấy vẫn nhìn chằm chằm con thuyền nhỏ, gã đột nhiên cảm thấy rất sửng sốt khi thấy người ngư dân cặm cụi chèo thuyền bỗng ngoái đầu nhìn mình.

Kế Duyên gật đầu cười với gã ta một cái, rồi vui vẻ quay đầu lại, chèo thuyền tiếp tục. Hắn lẩm bẩm:

"Thú vị đấy, thú vị đấy!"

Thế nhưng mà, chuyện này chỉ giới hạn trong mức độ thú vị mà thôi. Chẳng ai có thể đảm bảo sự biến đổi khí thế trong thoáng chốc của tên công tử nhà họ Tiêu này có thể xoay chuyển một đời của gã. Có lẽ sau này, vị tiên sinh họ Kế nào đó sẽ hứng thú hỏi thăm cái kết quả phát sinh từ câu chuyện hiện tại.

Con thuyền ô bồng lại tăng tốc lần nữa, mặc dù chẳng hề nổi bật, nhưng vượt qua chiếc lâu thuyền nhanh chóng, bỏ nó lại đằng sau.

Trên chiếc thuyền lớn của Tiêu gia, gã công tử kia bèn nhíu mày, nhìn chăm chằm con thuyền nhỏ kia thật lâu.

"Trọng Lâu, con có gì muốn nói không?"

"Phụ thân, con cãi không lại người. Vì thế, trước hết con sẽ nắm lấy vị trí Trạng Nguyên rồi tính tiếp!"

Rốt cuộc vị lão gia kia đã nở nụ cười. Ông ta dùng tay trái vuốt ve chòm râu, nâng tay phải vỗ lên vai con trai mình nhè nhẹ.

"Sau khi quay về kinh thành, ta sẽ đi mời Lưu bá bá của con vài ly trà mới được."
BÌNH LUẬN
Bạn cần đăng nhập để bình luận