Khó Bề Hòa Hợp
Chương 22: Thương vụ đầu tư Feichi Auto (4)
Anh và Triệu Hãn Thanh lại nghiên cứu mục đích thật sự của Thanh Huy, nhưng vẫn không có manh mối.
Kinh Hồng cảm thấy hơi áp lực khi Chu Sưởng quyết liệt tham gia vào thương vụ mua lại Điện Ảnh Và Truyền Hình Tân Động như vậy.
Anh cứ luôn cảm thấy bất an.
Có lẽ chính vì áp lực hơi lớn nên tần suất Kinh Hồng th.ủ dâm buổi tối trước khi đi ngủ trong mấy ngày tiếp theo rất cao.
Thực ra trước giờ Kinh Hồng đều cho rằng mình không phải loại người cứ có ham mu,ốn là nhích, anh quá bận, không có thời gian để mà lãng phí dù chỉ là một giờ đi chăng nữa.
Nhưng nhiều nghiên cứu khác nhau cũng chỉ ra rằng con người có xu hướng nuông chiều cơ thể khi gặp áp lực cao. Áp lực là thuốc kích d.ục, anh muốn sảng khoái, muốn sung sướng tận mây, muốn tạm thời hoàn toàn quên đi đủ thứ muộn phiền trong cuộc đời.
Vậy nên lạ lùng thay, trong suốt mấy đêm tĩnh lặng liên tiếp, mỗi khi Kinh Hồng nghĩ đến Chu Sưởng thì tay phải của anh lại không tự chủ được mà luồn xuống thân dưới.
Trong đầu anh, dáng vẻ còn lưu lại của Chu Sưởng đan lẫn với cơ thể một người không có đường nét gương mặt, mà sự giao thoa này càng thường xuyên thì động tác của Kinh Hồng lại càng nhanh và mạnh. Anh nằm trên giường, nhắm mắt và thở hổn hển cho đến khi cơ thể đạt cự/c khoái rồi đột ngột hạ xuống, cuối cùng cả người anh mềm nhũn, không thể động đậy mất một lúc lâu.
Anh cảm thấy hoảng hốt trước cảm giác mất kiểm soát này, vì trước giờ anh vẫn luôn cực kỳ tự chủ và kỷ luật.
***
Bởi vì Thanh Huy can thiệp đột ngột lại không ai chắc chắn về ý định thực sự nên trong suốt một khoảng thời gian, thương vụ mua lại Điện Ảnh Và Truyền Hình Tân Động dường như ấn nút tạm dừng, tất cả các bên đều không có động thái.
Nhưng Oceanwide chỉ đợi một tuần trước khi quyết định tiếp tục mua lại Điện Ảnh Và Truyền Hình Tân Động, bọn họ bắt đầu quét cổ phiếu.
Nhưng Thanh Huy cũng có động thái vào đúng lúc đó.
Cuối cùng cũng hành động rồi.
Tập đoàn Thanh Huy tiếp tục mua vào cổ phần của Điện Ảnh Và Truyền Hình Tân Động, lần này chỉ có 3%, gia tăng tỷ lệ sở hữu từ 5% lên 8%, sau đó lại ký thỏa thuận thông đồng* với Bảo Hiểm Phương Đông.
*Thông đồng đầu tư trên thị trường chứng khoán là một thuật ngữ tiếng lóng khi các bên thực hiện các hành động đầu tư giống hệt nhau để đạt được cùng một mục tiêu. Hành động thông đồng đòi hỏi sự hợp tác của mọi người hoặc các tập đoàn để thực hiện các giao dịch tương tự dựa trên sự sắp xếp trước đó.
Điều này có nghĩa là trong cuộc tranh đoạt Điện Ảnh Và Truyền Hình Tân Động giữa ba bên gồm Oceanwide, Phương Đông và Thanh Huy, Phương Đông và Thanh Huy đã hình thành liên minh, hơn nữa liên minh này còn do Phương Đông nắm quyền. Đến lúc này, Bảo Hiểm Phương Đông và các bên tham gia phối hợp đã chiếm hơn 30% cổ phần, có quyền chào mua công khai bắt buộc đối với Điện Ảnh Và Truyền Hình Tân Động.
Kinh Hồng biết, Oceanwide đã cực kỳ bị động kể từ ngày Thanh Huy nhảy vào.
Lúc đó Oceanwide chiếm 22% cổ phần còn Bảo Hiểm Phương Đông và Tập đoàn Thanh Huy thông đồng với nhau là hơn 27%, Oceanwide còn 8% nữa mới đến ngưỡng chào mua bắt buộc trong khi liên minh Phương Đông và Thanh Huy chỉ còn 3%. Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc quy định nghiêm ngặt rằng cứ tăng 5% cổ phần nắm giữ thì sẽ phải công bố thông tin, vậy nên liên minh Phương Đông và Thanh Huy hoàn toàn có thể tiếp tục quan sát hướng hành động của Oceanwide và ra tay vào thời cơ thích hợp.
Hai bên Phương Đông và Thanh Huy kết hợp thì Tân Động có không muốn cũng không được, Kinh Hồng quyết đoán nhận thua và lùi khỏi cuộc chơi.
“Kết quả đến bây giờ vẫn không hiểu ra làm sao cả…” Triệu Hãn Thanh nói, “Chỉ biết là lần này Thanh Huy chỉ đơn thuần muốn giúp Bảo Hiểm Phương Đông chứ tuyệt đối không phải Thanh Huy muốn tự mình lấn sân sang ngành sản xuất phim ảnh.”
Kinh Hồng nghịch bút máy và uể oải đáp, “Ừ.”
Rõ ràng bản chất lần này Thanh Huy chỉ là nước chư hầu của Bảo Hiểm Phương Đông, làm con tốt tình nguyện cho Bảo Hiểm Phương Đông, nếu không làm gì có chuyện Thanh Huy lại thông đồng với Bảo Hiểm Phương Đông và để Bảo Hiểm Phương Đông đưa ra đề nghị.
Một lát sau, Triệu Hãn Thanh lại nói, “Hẳn là Thanh Huy và Bảo Hiểm Phương Đông đã đàm phán, hoặc phải nói là đã giao dịch với nhau vào mấy ngày trước. Thanh Huy đồng ý hành động thống nhất với Bảo Hiểm Phương Đông, nhưng… không biết là để đạt được cái gì.”
Kinh Hồng vẫn nghịch bút, “Ừ.”
Anh cũng không biết.
Trên thực tế, anh cho rằng Thanh Huy sẽ chuyển giao 8% cổ phần của Tân Động đó cho Phương Đông và rời khỏi hội đồng quản trị sau khoảng thời gian sáu tháng lock-up, không bao giờ can thiệp vào Điện Ảnh Và Truyền Hình Tân Động nữa.
“Luật Chứng khoán” quy định, cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phần sẽ có thời hạn lock-up là sáu tháng và không được phép bán đi.
Triệu Hãn Thanh lại than thở, “Hầy, vốn Bảo Hiểm Phương Đông không có đủ tiền mặt, ai ngờ Thanh Huy lại giúp bọn họ một tay! Giờ thì Bảo Hiểm Phương Đông sẽ có thêm thời gian gom tiền. Với quy mô của Bảo Hiểm Phương Đông thì vụ thu mua này không phải vấn đề. Hừm… Thật sự không hiểu Bảo Hiểm Phương Đông có thể cho Thanh Huy cái gì!”
Kinh Hồng không trả lời.
Đến giờ anh cũng vẫn chưa nghĩ ra đáp án cho câu hỏi này.
Rốt cuộc thì thỏa thuận giữa Tập đoàn Thanh Huy và Bảo Hiểm Phương Đông là gì?
Sau cùng thì Chu Sưởng đang có ý định gì đây?
***
Cũng may là Tập đoàn Thanh Huy không để Triệu Hãn Thanh và Kinh Hồng thắc mắc quá lâu.
Rất nhanh sau đó, Kinh Hồng đọc được một tin.
Ngân Hàng Hưng Dân, ngân hàng tư nhân lớn nhất Trung Quốc đã chuyển bảy trăm năm mươi triệu vốn cổ phần gán nợ của Chứng Khoán Thiên Thông cho Tập đoàn Thanh Huy, chiếm 9,9% tổng vốn cổ phần của Chứng Khoán Thiên Thông.
“…!!!” Lúc này Kinh Hồng mới choàng tỉnh khỏi giấc mộng.
Hóa ra đây là mục đích của Chu Sưởng!!!
Kinh Hồng luôn biết Bảo Hiểm Phương Đông là một trong những cổ đông lớn của Ngân Hàng Hưng Dân.
Trước đó Kinh Hồng đã kiểm tra danh sách các công ty mà Bảo Hiểm Phương Đông từng đầu tư, và Ngân Hàng Hưng Dân nằm trong số đó. Tỷ lệ sở hữu của Bảo Hiểm Phương Đông ở Ngân Hàng Hưng Dân bảo nhiều thì không nhiều mà ít cũng không ít, vừa qua ngưỡng 5%, Ngân Hàng Hưng Dân không hề xếp ở vị trí cao trong danh mục đầu tư của Bảo Hiểm Phương Đông.
Lúc đó Kinh Hồng cũng đã cẩn thận kiểm tra mạng lưới quan hệ của Ngân Hàng Hưng Dân nhưng cũng không phát hiện ra điều gì đặc biệt.
Nhưng hóa ra vào hai năm trước, Ngân Hàng Hưng Dân từng có được cổ phần gán nợ của Chứng Khoán Thiên Thông!
Năm 2015, thị trường cổ phiếu loại A sụp đổ, tạo nên “huyền thoại” hàng nghìn cổ phiếu chạm sàn chỉ trong một ngày, chỉ số Shanghai* tụt mạnh từ hơn 5000 điểm xuống còn hơn 2700, tức là giảm hẳn một nửa, mà trong đó chỉ mất hai tháng để giảm từ 5000 xuống 3000.
*Chỉ số Shanghai – SSE Composite, viết tắt của Shanghai Stock Exchange Composite Index, là một chỉ số của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số này được tạo thành từ việc tính toán các cổ phiếu hạng A và B được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE – sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất ở Trung Quốc đại lục).
Chuyện xảy ra quá đột ngột, nhiều sản phẩm của một cổ đông lớn của Chứng Khoán Thiên Thông bị thanh lý.
Công ty đó có tư tưởng rất cởi mở, từ bỏ những phương pháp hạn chế rủi ro hợp lý nhất để điên cuồng với hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu*, mua một lượng lớn hợp đồng tương lai của chỉ số CSI 300* v.v., kết quả là tháng mà công ty này đóng vị thế* lại chính là tháng tồi tệ nhất đối với cổ phiếu loại A. Nhưng đây chính là cái giá phải trả của việc đầu cơ, thời gian giao hàng được ghi rõ ràng trong hợp đồng, và những hợp đồng tương lai đó phải được bán vào thời điểm được quy định trong hợp đồng, dù cho có phải xẻo da cắt thịt đi chăng nữa.
*Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu (Stock Index Futures Contract) là loại hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là một chỉ số cổ phiếu. Hợp đồng tương lai là một hợp đồng chuẩn hóa giữa hai bên nhằm trao đổi một tài sản cụ thể có chất lượng và khối lượng chuẩn hóa với giá thỏa thuận hôm nay nhưng lại giao hàng vào một thời điểm cụ thể trong tương lai. Các hợp đồng này được giao dịch thông qua sàn giao dịch tương lai
*Chỉ số CSI 300 là chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A (những cổ phiếu được giao dịch bằng nhân dân tệ).
*Đóng vị thế là một phương pháp đầu tư trong đó một nhà đầu tư mua một tài sản (ví dụ như hàng hóa hay cổ phiếu) và giữ nó trong thời gian dài, thường là từ vài tháng đến vài năm. Zen: Ở đây hiểu là công ty này đóng vị thế trong một tháng và phải bán những cổ phiếu này vào thời điểm trong tương lai nhưng trong khoảng thời gian đó, cổ phiếu này lại tụt giá thảm hại, công ty sẽ lỗ nặng phần chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra bắt buộc.
Trong năm 2015, bọn họ đã thua lỗ quá nhiều, gặp khủng hoảng tài chính rất nghiêm trọng và không thể trả được khoản vay với Ngân Hàng Hưng Dân. Vì vậy để tự cứu mình và cũng vì bần cùng bất đắc dĩ, bọn họ đã phải chuyển nhượng 9,9% cổ phần của Chứng Khoán Thiên Thông mà mình nắm giữ cho Ngân Hàng Hưng Dân để gán nợ.
Tuy nhiên chính phủ Trung Quốc đã áp dụng chính sách quản lý riêng biệt đối với ngành ngân hàng và ngành chứng khoán. Hiện tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc bị cấm tham gia IPO và các hoạt động kinh doanh chứng khoán khác phải có giấy phép. Bộ phận đầu tư của các ngân hàng thương mại chủ yếu cũng chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, cho vay mua bán và sáp nhập v.v. mà thôi, dù cho toàn bộ các nước phát triển ở châu Âu và Hoa Kỳ đều là doanh nghiệp hỗn hợp đi chăng nữa. Vì vậy pháp luật Trung Quốc quy định ngân hàng không được nắm giữ cổ phần gán nợ của công ty chứng khoán quá hai năm.
Giờ đã sắp đến kỳ hạn hai năm, Ngân Hàng Hưng Dân buộc phải xử lý số cổ phần của Chứng Khoán Thiên Thông.
Thoạt nhìn, Ngân Hàng Hưng Dân cực kỳ kín tiếng, thậm chí các phương tiện truyền thông lớn còn chưa bao giờ đưa tin về số cổ phần gán nợ này, ít nhất thì Kinh Hồng cũng chưa từng nghe đến. Có lẽ khi đó Ngân Hàng Hưng Dân cũng chỉ lén lút đăng một thông báo trên mạng. Mà đương nhiên là khi Kinh Hồng điều tra thì thông báo từ hai năm trước đó đã mất hút rồi.
Kinh Hồng đoán rằng có lẽ Ngân Hàng Hưng Dân muốn giữ lại số cổ phần này và không bán trong hai năm, muốn tác động đến ranh giới của chính phủ, trở thành một doanh nghiệp kinh doanh môi giới chứng khoán, có được giấy phép và thúc đẩy mô hình kinh doanh hỗn hợp của ngân hàng. Có lẽ họ cho rằng mô hình kinh doanh hỗn hợp chính là xu hướng phát triển của thời đại, vì vậy mới một mực yên lặng không lên tiếng. Nhưng rõ ràng Ngân Hàng Hưng Dân đã đánh giá quá thấp thái độ kiên quyết của chính phủ Trung quốc đối với “doanh nghiệp hỗn hợp”, gần đây bọn họ đã nhận ra mình vẫn phải xử lý số vốn cổ phần này trong vòng hai năm theo đúng quy định.
Chuyện gì đã xảy ra sau đó?
Nói chung, sẽ có hai kết cục đối với cổ phần gán nợ là chuyển nhượng theo thỏa thuận và đấu giá công khai, các cơ quan quản lý thường yêu cầu các ngân hàng sử dụng phương pháp thứ hai. Nhưng trong luật có một điều khoản an toàn* là “Ngoại trừ các trường hợp được xác định bởi Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc”.
*Một phần của hợp đồng hoặc luật nhằm bao gồm tất cả các khả năng không được đề cập trong các điều khoản riêng lẻ.
Kinh Hồng đã có thể vẽ ra mạch diễn biến của câu chuyện này.
Đầu tiên Tập đoàn Thanh Huy giúp Bảo Hiểm Phương Đông thu mua Điện Ảnh Và Truyền Hình Tân Động, sau đó Bảo Hiểm Phương Đông dùng tư cách cổ đông lớn của Ngân Hàng Hưng Dân để đề nghị Ngân Hàng Hưng Dân chuyển hết cổ phần gán nợ của Chứng Khoán Thiên Thông mà vốn bọn họ không thể giữ rịt được nữa cho Thanh Huy, đồng thời bọn họ cũng đã trao đổi và thảo luận với Ủy ban chứng khoán. Dù Bảo Hiểm Phương Đông chỉ nắm giữ 5% cổ phần, nhưng đối với Hưng Dân thì chuyện chuyển nhượng cổ phần của Thiên Thông cho đối tượng cụ thể nào không hề quan trọng, dù sao thì cũng không bưng bít được nữa và cũng chẳng có cổ đông nào khác đối đầu với Bảo Hiểm Phương Đông.
Vậy sau đó thì sao?
Đương nhiên là Ủy ban Điều tiết chứng khoán sẽ đồng ý.
Điều mà Ủy ban chứng khoán quan tâm thực chất chỉ là việc Ngân Hàng Hưng Dân ngoan ngoãn cho đi cổ phần của mình. Giờ đã sắp đến thời hạn hai năm, nếu muốn tổ chức đấu giá mà nhỡ đâu kết quả đấu giá không lý tưởng, ví dụ như không có ai mua, để Ngân Hàng Hưng Dân phải ôm cổ phần của Chứng Khoán Thiên Thông quá hai năm thì phiền to.
Tại thời điểm này, 9,9% cổ phần của Chứng Khoán Thiên Thông đã thuộc sở hữu của Tập đoàn Thanh Huy.
Mà Chứng Khoán Thiên Thông lại là nhà đầu tư dẫn đầu trong vòng gọi vốn series B của Feichi Auto, cũng là cổ đông lớn nhất của Feichi Auto ngoài Oceanwide.
Feichi Auto, một sản phẩm đầu tư thành công của Oceanwide, vừa cho ra mắt lô xe sử dụng năng lượng mới được sản xuất hàng loạt đầu tiên của Trung Quốc và hoàn toàn không có đối thủ cạnh tranh. Trên đường đua ô tô năng lượng mới này, Oceanwide đã đặt cược thành công, còn Thanh Huy thì thất bại, tình hình mấy năm qua của “Ô Tô Toàn Cảnh” mà Thanh Huy đầu tư khi đó rất sa sút.
Thanh Huy vẫn luôn muốn có được một miếng trong cái bánh Feichi Auto, muốn chen chân vào húp ké, nhưng Tập đoàn Oceanwide luôn từ chối bằng tư cách cổ đông lớn của Feichi. Tập đoàn Thanh Huy muốn đầu tư lại không thể đầu tư được, giám đốc bộ phận đầu tư chiến lược sốt ruột tới nỗi nhảy chồm chồm lên.
Mà giờ thì sao? Bọn họ thành công rồi.
Thanh Huy giúp Bảo Hiểm Phương Đông thu mua Điện Ảnh Và Truyền Hình Tân Động, rồi sao đó thông qua thỏa thuận với Bảo Hiểm Phương Đông để tiếp nhận 9,9% cổ phần gán nợ của Chứng Khoán Thiên Thông mà Ngân Hàng Hưng Dân đang nắm giữ, trở thành cổ đông của Chứng Khoán Thiên Thông. Theo cách gián tiếp cũng đã trở thành cổ đông của Feichi Auto mà Chứng Khoán Thiên Thông đã đầu tư vào.
Gián tiếp đầu tư vào Feichi Auto như vậy tuy không bằng trực tiếp đầu tư như Oceanwide nhưng ít ra vẫn méo mó có hơn không.
Về lý thuyết, “đầu tư gián tiếp” sẽ không thể can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu, nhưng trên thực tế, làm cổ đông lớn của Chứng Khoán Thiên Thông cũng chính là làm cổ đông lớn của cổ đông lớn của Feichi Auto, như vậy lời nói vẫn sẽ có sức nặng, chắc chắn vẫn có quyền nhúng tay vào.
Kinh Hồng nghĩ kỹ hơn thì lại cảm thấy hành vi gây chiến quyết liệt của Chu Sưởng không chỉ vì mỗi Feichi Auto.
Trước hết, Chứng Khoán Thiên Thông có quy mô không lớn nhưng tầm nhìn đầu tư rất tốt, ngoài Feichi Auto thì còn có khá nhiều công ty thành công, tất cả đều thuộc lĩnh vực liên quan.
Thứ hai, nền tảng quản lý tài chính của Thiên Thông là tốt nhất trong số các công ty chứng khoán và còn có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán Hồng Kông và chứng khoán Mỹ. Sau khi ràng buộc với nhau một cách sâu sắc, các công cụ thanh toán của Thanh Huy sẽ có khả năng quản lý tài sản và khả năng phân bổ tài sản tốt hơn, thu hút nhiều tiền gửi hơn, dù sao thì Thiên Thông cũng là một công ty chứng khoán chuyên nghiệp.
Rồi thì…
Kinh Hồng cảm thấy cũng may vì đã biết được mục đích cuối cùng của Chu Sưởng.
Như vậy sẽ không nơm nớp thấp thỏm nữa.
“Đi quá nhiều đường vòng rồi đấy Chu Sưởng.” Kinh Hồng gõ bàn rồi đứng dậy.
Anh nhớ cô em họ đã từng khen Chu Sưởng nức nở mấy lần rằng hắn “có khí chất quyến rũ của một kẻ ngồi ở bên trên” sau khi gặp Chu Sưởng lúc trước, thực ra Kinh Hồng không buồn quan tâm, vì những cụm từ tương tự cũng được sử dụng thường xuyên cho anh và cho rất nhiều người khác. Đằng sau càng có nhiều kẻ nịnh nọt thì chuyện này xảy ra càng nhiều.
Nhưng Kinh Hồng chợt nhận ra, Chu Sưởng còn có thứ khí chất của một kẻ phá giải thế trận, dù là thương vụ sáp nhập Côn Bằng Hoa Vi hay là thương vụ đầu tư Feichi Auto lần này, hắn đều thể hiện ra khí chất của một kẻ phá trận, đúng là rất quyến rũ.
Phá vỡ rồi kiểm soát thế trận, để người khống chế ban đầu mất đi ưu thế và rơi vào lệ thuộc.
Kẻ ngồi ở mâm trên là bình thường, nhưng kẻ phá giải thế trận chỉ có một trong cả chục ngàn người.
Nhưng Kinh Hồng nghĩ, nhân tài như vậy mới phù hợp để làm một đối thủ nặng ký.
Trên tầng năm mươi của tòa nhà trụ sở Oceanwide, Kinh Hồng đứng trước vách cửa kính, tay đút túi quần và nhìn ngắm cảnh đêm Bắc Kinh huy hoàng phồn thịnh. Anh thở dài nghĩ, “Cuối cùng vẫn để cho Chu Sưởng kia chen được vào.”
Hết chương 22.
Lời tác giả:
“Cuối cùng vẫn để cho Chu Sưởng kia chen được vào.”
Mẹ Panda: Kinh Hồng? Con của mẹ ơi, con có ý gì?
Kinh Hồng:??? Đương nhiên là nói vụ đầu tư Feichi Auto, không thì còn có ý gì khác nữa?
Chu Sưởng, “Cậu ấy rất gợi cảm.”
Kinh Hồng, “Cậu ta rất quyến rũ.”
Vụ này dễ hiểu phải không? Kinh Hồng không cho Chu Sưởng đầu tư vào Feichi Auto, Chu Sưởng lại nhất quyết muốn đầu tư. Không đầu tư trực tiếp được thì đầu tư gián tiếp, trở thành một cổ đông lớn khác của cổ đông lớn của Feichi Auto…