Đếm Ngược Thời Gian Sống Sót

Chương 28: Chương 28


Huyện nha huyện An Dương, Dương Châu, Hoài Nam.
Huyện lệnh Lữ Lương Sĩ tháo mũ quan xuống, đầu đổ đầy mồ hôi, mất hết hồn vía nói: "Làm sao đây? Làm sao đây! Vụ án Vương Quốc Chí không phải đã sớm kết thúc rồi sao? Tại sao đột nhiên lại lòi ra một tên Đặng Vấn An? Pháp trường cũng lên rồi sao còn trả vụ án trở lại? Còn phái Phủ dụ sứ tới —— Phủ dụ sứ đấy!"
Hai chân Lữ Lương Sĩ mềm nhũn, tê liệt ngồi bệt xuống băng ghế, vẻ mặt đờ đẫn: "Nếu như tra ra được năm ba chuyện thì mất chức là chuyện nhỏ, ta chỉ sợ không giữ nổi đầu."
Sư gia đi qua đi lại, vắt sạch óc suy nghĩ đối sách: "Thật ra vụ án Đặng Vấn An rất dễ giải quyết."
Lữ Lương Sĩ tựa như bắt được cọng rơm cứu mạng hỏi: "Giải quyết thế nào? Phủ trạch của Vương Quốc Chí vẫn còn ở huyện Giang Dương, hàng xóm láng giềng đều biết, Đặng Vấn An cũng còn người cha già ở Giang Đô, đến lúc đó tìm đủ người đối chứng ngay mặt, vụ án liếc cái thấy ngay, làm sao còn có thể tranh cãi được?"
Sư gia: "Những người đó có thể làm chứng thân phận của Đặng Vấn An, nhưng có thể bảo đảm Đặng Vấn An không tham gia cướp bóc giết người hay không? Có xác định được Đặng Vấn An có phải là đồng bọn của Vương Quốc Chí hay không?"
Lữ Lương Sĩ nhanh chóng sắp xếp lại suy nghĩ, "Ý ngươi là —— "
Sư gia: "Nhất quyết phải phán Đặng Vấn An là đồng bọn của Vương Quốc Chí, xử trảm theo luật, đại nhân ngài không chỉ thoát tội mà còn được khen thưởng!"
Lữ Lương Sĩ vỗ tay: "Đúng! Ý hay! Cứ nói như vậy đi." Sau đó lão đứng dậy cười ha hả, càng nghĩ càng cảm thấy thây chính là diệu kế bèn chống nạnh lắc đầu nói: "Đúng là mưa qua trời trong, núi lượn đường vòng, bước vào cảnh khó tìm được lối thoát!"
"Đại nhân, ngài cũng đừng vội vui mừng." Sư gia khuyên bảo: "Chỉ một án oan sao lại đáng giá để bệ hạ đích thân phái Khâm sai tới tra? E là mượn án Đặng Vấn An đến đây tra xem quan viên giúp nạn thiên tai ở Hoài Nam có ăn bớt ăn xén, đứng giữa kiếm lợi hay không! Ta nghe nói trước đây khi hai tỉnh Kinh Đông, Kinh Tây xảy ra nạn lụt, lần nào cứu trợ thiên tai cũng đều phái Khâm sai cải trang vi hành, âm thầm điều tra xem có ai nuốt riêng ngân lượng hay không, đoán chừng Khâm sai lần này cũng có bản chất như vậy thôi."
"Cải trang vi hành?" Lữ Lương Sĩ nhăn mặt: "Còn chơi trò này với lão gia ta ư, thật là muốn quỳ đấy.

Bảy trăm ngàn lượng phát xuống cứu trợ xem ra không thể ăn quá nhiều, lấy hai trăm năm mươi ngàn lượng...!Để xem, thêm năm mươi ngàn nữa đi cứu người dân bị nạn."
"Đại nhân có lòng nhân từ, ta về sẽ chi ra."
"Ài đợi đã, trước tiên cứ sắp xếp cho đám dân bị nạn đó ở gò chém đầu bên ngoài huyện đi, đừng cho bọn chúng vào thành, vừa vào là ầm ĩ cướp bóc lương thực, đến lúc đó túm cả đám vào nhà lao lại khóc lóc kêu oan nữa.

Mấy ngày này cứ dùng gạo cũ trước, trộn lẫn với cám trấu, dù sao cũng chỉ là đám dân thường, có thể lắp đầy cái bụng là đã tốt lắm rồi.

Chờ đến khi xác nhận tin Khâm sai đến thì hãy nấu cháo." Lữ Lương Sĩ bẻ ngón tay nói: "Một đám tỳ hưu chỉ có vào không có ra, tiêu hết biết bao nhiêu là bạc của lão gia ta đây."
***
Lưng đeo vạn quan tiền, cưỡi hạc đến Dương Châu.
Dương Châu sầm uất, giàu có và đông đúc, tửu lầu ngõa xã mười bước một gian, oanh ca yến hót không ngưng nghỉ, hình dung thế này không cường điệu hóa chút nào.

Người chưa tới Dương Châu nằm mơ cũng nghĩ đến câu nói "Trên có thiên đường dưới có Tô Hàng", Dương Châu phồn vinh hưng thịnh, đã đến Dương Châu thì chẳng ai muốn rời đi nữa.
Không chỉ có bách tính hướng về Tô Hàng, quan trong kinh đến địa phương càng muốn nhảy vào chậu châu báu này, Quan trường vẫn còn đang truyền nhau một truyền thuyết ít người biết, nói về một thanh quan sau khi đến Dương Châu thì đến sông Tần Hoài rải kim sa, rắc vàng miếng, sắc vàng rực rỡ phản chiếu ánh lửa lên bầu trời vô cùng đẹp mắt.
Không biết truyền thuyết là thật hay giả, nhưng cũng đủ thấy địa vị của Dương Châu trong lòng tất cả mọi người, nói thẳng ra là vì có liên quan đến vàng bạc.
Đáng tiếc lần này Triệu Bạch Ngư đi Hoài Nam không được đến Dương Châu phồn hoa mà là đến Giang Dương, một huyện trực thuộc phủ Dương Châu, cũng vì không thuận đường nên không có cơ hội tận mắt nhìn ngắm một vùng sông nước trong thơ văn làm người ta thương nhớ.
Đi theo trục đường chính rời khỏi phủ Kinh Đô, vừa vào Hoài Nam liền chuyển sang đường thủy, thuyền bè lênh đênh xuôi dòng, lắc lư sóng nước hơn nửa tháng, Nghiên Băng mới đầu còn vô cùng phấn khởi, bây giờ ngồi ở mũi thuyền ủ rũ cúi đầu, mặt mũi xanh xao.
"Ngũ lang ơi, lộ trình còn bao lâu nữa ạ?"
"Thấy được bến tàu rồi." Triệu Bạch Ngư mân mê chuỗi hạt trên cổ tay trái, nhìn về phía mặt sông mịt mờ, xa xa có một tấm bia thủy tắc*, chữ "Bình" (平) thoắt ẩn thoắt hiện chứng tỏ mực nước đã đến mức cảnh báo, có điều so với vùng mênh mông ngập nước của thời gian trước thì nước lũ đã xuống không ít rồi.

"Vào khoang thuyền thay y phục khác thôi."
(*) "tắc" trong "thủy tắc" ý là "quy tắc".

Bia thủy tắc được sử dụng như một thước đo mực nước dể phòng chống nạn lụt của Trung Quốc thời xưa.

Thủy tắc thời đầu là ba tượng người đá do Lý Băng dựng nên ở Đô Giang Yển, dùng mực nước lên đến một vị trí nào đó trên cơ thể người đá để so sánh mực nước và lượng nước.

Nghiên Băng: "Tại sao lại thay y phục ạ?"
Triệu Bạch Ngư: "Có từng nghe đến cải trang vi hành chưa?"
Hai mắt Nghiên Băng sáng lên: "Hí văn thường hay hát!" Nó vội vàng chạy vào thay bộ đồ chắp vá đủ chỗ, bước ra đã thấy Triệu Bạch Ngư mặc một bộ quần áo vải ngắn đã bạc màu.

"Ngũ lang, trông ngài cứ như một thư sinh bất hạnh vào Kinh đi thi mà gặp nạn vậy đó."
"Ý ngươi muốn nói là da mỏng thịt mềm chứ gì?" Triệu Bạch Ngư rút dây lụa buộc tóc xuống cột đại một kiểu khác rồi cào tung tóc lên: "Chúng ta ăn mặc chỉnh tề quá, chưa đủ phong trần, cũng chưa đủ xanh xao vàng vọt, không giống dân tỵ nạn."
Nghiên Băng cũng làm theo y, nghe nói vậy thì tò mò: "Tại sao ta phải giả làm dân tỵ nạn?"
Triệu Bạch Ngư: "Vì phải đến khu bố trí dân bị nạn nhìn thử trước đã."
Nghiên Băng nhận lấy lọ nghẹ đen sì không biết Triệu Bạch Ngư chuẩn bị từ hồi nào bôi lên mặt: "Nhưng không phải chúng ta đến đây để tra án Đặng Vấn An hay sao?"
Triệu Bạch Ngư: "Ta đoán bây giờ ở cổng thành có không ít người kiểm tra người qua lại, muốn tìm ra Khâm sai sớm nhất có thể." Y vén rèm, ra hiệu cho Nghiên Băng nhìn ra đằng trước: "Ngay cả bến tàu cũng có Nha dịch kiểm tra, một lát nữa ngươi đừng nói gì cả, bọn họ sẽ nghi ngờ vì khẩu âm phủ Kinh Đô."
Nghiên Băng cuống cuồng lên: "Ta, ta,ta giả dạng thế này có thể qua mắt bọn họ được không? Trông có giống dân tỵ nạn không?"
Triệu Bạch Ngư: "Ngươi là đệ đệ của ta, tên là Triệu Tiểu Vi, ta là Triệu Đại Vi, nhà có sản nghiệp nhỏ, vì lũ lụt đột ngột xảy ra, ruộng nương bị ngập úng hết nên mới chạy nạn đến đây."
Nghiên Băng gật đầu liên tục.
Lúc này thuyền cập bến, bên ngoài có quan sai lớn tiếng gọi người bên trong mau chóng bước ra, cùng trên thuyền có ba bốn mươi người, từng người một đều bị kiểm tra.

Đến lượt Triệu Bạch Ngư và Nghiên Băng, quan sai tinh mắt chỉ riêng hai người cảnh giác hỏi là từ đâu tới.
Triệu Bạch Ngư cúi đầu nói là đến từ Từ Châu, ruộng đất ở nhà đều bị nhấn chìm cả, chỉ đành phải đưa đứa em trai bị câm chạy nạn đến huyện Giang Dương mà thôi.
Quan sai nghe khẩu âm của y quả thật không phải đến từ phủ Kinh Đô, vừa hay bên cạnh cũng có người lên tiếng khai mình chạy nạn từ Từ Châu, khẩu âm giống với Triệu Bạch Ngư nên gã mới tin bảy, tám phần.
Sau đó gã đi quanh hai người, nhìn ngó một lượt từ trên xuống dưới, mặc dù da mỏng thịt mềm nhưng ánh mắt hoang mang, sắc mặt tái nhợt như chim sợ ná, đúng là giống hệt mấy tên công tử bột lâm vào cảnh khổ.
Nha dịch bên cạnh bèn nói: "Đừng để phí thời gian, ta dám đảm bảo hai người bọn họ nhất định không phải Khâm sai đâu! Nếu Khâm sai có cải trang vi hành thì cũng không cần phải cải trang làm dân tỵ nạn.

Những tên Khâm sai kia không phải quan nhị phẩm thì cũng là dòng dõi Hoàng thân quý tộc tự xưng là môn sinh của Thánh nhân, cận thần của Thiên tử, sao có thể làm chuyện tự nhục như thế? Yên tâm đi, ta chưa từng thấy Khâm sai nào giả làm ăn mày hay dân tỵ nạn cả, dù sao thì cũng là thay trời tuần thú*, đại điện cho mặt mũi Thánh thượng và triều đình."
(*) Ngày xưa, vua Thiên Tử đi kinh lý các nước chư hầu gọi là đi tuần thú (巡狩), nghĩa là đi tuần thăm các địa hạt đã phong cho các vua chư hầu.
Nói cũng phải, người có học tính khí kiêu căng, chứ đừng nói đến người có học làm quan lớn, mấy chục năm cao ngạo ngấm vào trong xương thịt, bắt họ cởi áo vải lăng la tơ lụa xuống không phải làm nhục hay sao?
Hơn nữa, Khâm sai nào lại không có người đi theo bảo vệ?
Hai người này một kẻ câm, một kẻ tay trói gà không chặc, nếu thật sự là Khâm sai thì ngay bây giờ đã nhân lúc hỗn loạn giết chết bọn họ rồi.
Quan sai nghĩ vậy bèn phất tay xua đuổi: "Đi mau đi mau!"
Cách một quãng xa rồi, Nghiên Băng mới nói: "Có phải bọn chúng có tật giật mình không?"
Triệu Bạch Ngư: "Liếc mắt là thấy ngay."
Nghiên Băng đột nhiên nhớ đến vụ kiện: "Có khi nào Đặng Vấn An sẽ bị diệt khẩu không ạ?"
"Người trên đầu sóng ngọn gió, ai dám diệt khẩu? Dư luận bách tính vẫn còn đó không để đè xuống ngay được, huống chi Đặng Vấn An còn đang bị giam trong đại lao phủ Dương Châu, huyện lệnh Giang Dương không dài tay đến mức đó.

Còn Tri phủ Dương Châu thì...!Nếu không đến nỗi chó cùng rứt giậu thì sẽ không tự hủy trường thành." Triệu Bạch Ngư như có điều suy nghĩ: "Theo như lộ trình của Ngụy bá và Thôi phó quan thì có lẽ đã đến huyện Giang Dương rồi."
"Tìm bọn họ hội họp ư?"
Triệu Bạch Ngư không lên tiếng, đến chỗ một người bán cá hỏi thăm nơi sắp xếp cho dân bị nạn ở đâu, người bán cả trả lời: "Gò chém đầu ở bên ngoài thành."
"Luật lệ không cho phép mở cửa thành để dân tỵ nạn đi vào sao?"
"Ôi! Trời cao vua xa, lời của quan huyện chính là luật!" Người bán cá thấy Triệu Bạch Ngư lịch sự, vậy nên cũng dùng lòng tốt chân thật để đáp lại: "Ta thấy ngươi nói năng nhã nhặn, chắc cũng là người nhà giàu biết chữ, ta khuyên ngươi nên vào thành tìm việc, đừng có mà đến khu dân tỵ nạn làm chi."
Người bán cá nhìn trái ngó phải rồi thấp giọng nói: "Thúc phụ của ta nấu cháo ở trong đấy, cháo thì nấu từ gạo cũ được phát từ ba bốn năm trước, chưa kể bọn chúng còn cho dân ăn thứ cám chỉ heo mới ăn, đã vậy ở đó...!Còn có người ngã bệnh nữa!"

Tim Triệu Bạch Ngư thắt lại, mặt biến sắc cực nhanh: "Đó là bệnh vì không thích nghi với nơi ở hay là cảm sốt thông thường?"
Người bán cá lắc đầu: "Cũng không biết nữa, vài ngày gần đây liên tiếp mấy người bị bệnh, nghe bảo còn có người chết.

Nếu như không thích nghi với nơi này thì đã biểu hiện từ hai tháng trước rồi chứ."
Triệu Bạch Ngư: "Có gọi đại phu đến xem không?"
Người bán cá lộ ra nụ cười kì lạ: "Đại phu? Nạn lụt trước mặt, ai mà quản một đám dân chạy nạn? Mời đại phu không cho tiền? Uống thuốc không trả tiền? Ông huyện lệnh của chúng ta mà chịu khoét miếng thịt trong lòng hay sao?"
Triệu Bạch Ngư: "Nhưng thái y và thuốc thang triều đình đều đã chuyển xuống, chẳng lẽ không đưa đến ư?"
Người bán cá: "Triều đình sao? Lúc muốn thuế cần lương thì yêu dân như con, nhưng thiên tai thật sự xảy ra trước mắt thì không ai đứng ra làm chủ, nếu không phải tại đám tham quan ô lại này ăn hết bạc sửa sông thì bờ đê có vỡ hay không?"
Một đồng nghiệp bên cạnh trách cứ: "Nói bậy gì thế? Ngươi không muốn sống nữa à!"
Người bán cá đột nhiên im bặt.
Triệu Bạch Ngư ngăn người bán cá vội vàng rời đi lại, không ngớt lời truy hỏi chuyện tham ô bạc sửa sông là chuyện gì, người bán cá không kiềm lòng được, chỉ đành lén nói cho y biết việc Giám sát ngự sử tra ra được chuyện tham ô tiền chửa sông nhưng bị diệt khẩu đã sớm truyền đi khắp Hoài Nam rồi.
"Ai truyền?"
Đến cả Nguyên Thú đế cũng không biết chuyện Chương Tòng Lộ đã tra ra được chuyện này, sao lại có thể bị truyền đi khắp Hoài Nam được?
"Ta không biết, dù sao mọi người đều nói vậy.

Ta thấy quan lại chẳng mấy ai tốt đẹp cả...!Bỏ đi bỏ đi, không nói nữa."
Nghiên Băng khá cảnh giác ngăn Triệu Bạch Ngư lại: "Không được! Ngài tuyệt đối không được đến nơi đó! Nói không chừng là dịch bệnh đó, nạn lụt rất dễ xuất hiện dịch bệnh, đã vậy nơi này còn không có đại phu cũng chẳng có thái y, ngài đi đường đã vất cả, thân thể cũng không mấy cường tráng, nếu bị lây bệnh thì phải làm thế nào? Làm sao ta có thể báo cáo với Lâm An quận vương đây? Ngài muốn đi cũng được, nhưng trước hết phải đi tìm Ngụy bá và Thôi phó quan đã, còn phải viết thư báo tin cho tiểu quận vương, hắn đồng ý thì ngài mới được đi."
Hoắc Kinh Đường không đi cùng y đến huyện Giang Dương, ban đầu hắn dùng giọng đùa giỡn nói không muốn chạy tới đây chịu khổ, sau đó Triệu Bạch Ngư chẳng nói chẳng rằng cứ kè kè bên cạnh hắn, Hoắc Kinh Đường không đành lòng mới nói hắn đã được giao một nhiệm vụ quan trọng khác rồi.
Triệu Bạch Ngư chớp chớp mắt: "Nhưng ta còn không biết Hoắc Kinh Đường đang ở đâu thì làm sao liên lạc được?"
Nghiên Băng: "Ngài thôi đi! Trước khi đi tiểu quận vương cho ngài một con Hải Đông Thanh, còn đặc biệt đưa ngài đến sơn trang ở ngoại ô dạy ngài làm quen với nó.

Người khác không có cách nào liên lạc với tiểu quận vương chẳng lẽ ngài không có?"
Tiểu quận vương chán ngán thể lực chẳng đâu vào đâu của Ngũ lang như vậy, sao có thể yên tâm để y một thân một mình xông vào Giang Dương?
Triệu Bạch Ngư bá vai Nghiên Băng đi về phía cổng thành: "Lúc chưa đến quận vương phủ, ngươi cảm thấy ta thế nào?"
"Cực khổ.

Khó khăn.

Cũng may ngài phúc lớn mạng lớn, nếu không đã chết trẻ ở hậu trạch Triệu phủ kia rồi." Nghiên Băng trả lời không do dự.
"Không phải kết thúc cả rồi sao? Tự dưng ta lập gia đình, các ngươi liền đối xử với ta như thể nâng món đồ sứ trên tay, trước khi gặp Hoắc Kinh Đường, ta là một kẻ thường lên núi đao xuống biển lửa, không sợ trời cũng chẳng sợ đất.

Sao bây giờ biến thành một tên rụt rè nhút nhát rồi, làm có tí chuyện cũng phải báo cáo với hắn? Hoắc Kinh Đường nói ta có thể làm chuyện mình muốn, hắn là chồng ta mà còn không xem ta là đồ dễ vỡ, các ngươi còn hà khắc với ta hơn cả hắn nữa."
Nghiên Băng bị thuyết phục, cảm thấy không có chỗ nào sai để mà phản bác lại.
"Hơn nữa, ta là Khâm sai, thể xét dân tình chính là chức trách.

Ngươi muốn ta làm một tên quan ngồi vào cho đủ số sao? Hay là một tên tham quan rác rưởi chỉ lấy bổng lộc không làm việc?"

"Nào có đâu ạ.

Nhưng chức trách trước tiên của ngài chính là giải quyết án oan, giúp Đặng Vấn An lấy lại trong sạch."
Triệu Bạch Ngư vỗ vai Nghiên Băng: "Án oan phải giải quyết, dân bị nạn và tình hình dịch bệnh cũng phải tra cho rõ." Y dừng một chút, sắc mặt trở nên nghiêm túc, giọng trầm xuống: "Nghiên Băng, ngươi biết dân tỵ nạn có dáng vẻ thế nào không? Biết khi dịch bệnh tràn lan đáng sợ đến thế nào không? Nếu như không quản, đến lúc đó núi thây khắp nơi, trăm dặm xương khô, tiếng kêu khóc thảm thiết sẽ vang khắp mọi nơi đấy."
Các biện pháp cứu nạn thời cổ đại không nhanh chóng cà đầy đủ như hiện đại, người chạy nạn có thể chết đói trên đường đi, nghiêm trọng hơn còn có thể xuất hiện các hành vi trao đổi trẻ em để lấy thức ăn, vô cùng thê thảm.

Lũ lụt rút xuống, cứu viện thiên tai chậm trễ, thứ đáng sợ thật sự chính là dịch bệnh, vì không có điều kiện chữa trị như hiện đại, từ xưa đến nay bệnh dịch được xem như nước lũ và thú dữ, tuy có hàng ngàn kim phương, nhưng bệnh tật thay đổi xoành xoạch, tính lây lan cũng cực mạnh, chỉ sợ vạn nhất*!
(*) Có câu "Không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất": là một câu thành ngữ bắt nguồn từ dân gian Trung Quốc với ý nghĩa nôm na các bạn có thể hiểu là: Không sợ việc to tát, chỉ sợ việc không may xảy ra bất ngờ.
Dọc đường đi gặp được người thì hỏi được, rốt cuộc Triệu Bạch Ngư và Nghiên Băng mới đến được gò chém đầu.
Đứng ở chỗ cao nhìn xuống phía xa xa có thể thấy được một vùng nước sông mênh mông, ở giữa đồng bằng là mấy ngàn căn nhà tranh có thể bị gió mưa thổi sụp bất cứ lúc nào, còn có cả những nơi trú ẩn được dựng lên tạm thời bằng các loại tre, trúc và một miếng vải rách.

Người dân bị nạn nằm ngổn ngang trên bùn đất, người ngợm dơ bẩn, ai nấy đều như chết lặng, có người cha ôm thi thể trắng nhợt của con mà khóc lóc, có người mẹ ôm đứa trẻ đã cứng ngắt mà kêu rên, còn có người dù đang canh giữ xác người thân chỉ vì mấy đồng tiền bạc mà bán mình đi, giữa đám hỗn loạn là những người ăn mặc gọn gàng đi tới đi lui, đều là những kẻ nhân cơ hội mua bán phụ nữ để kiếm lời.
Bầu trời âm u, cuồng phong gào rít.
Nỗi vất vả đau đớn của dân chúng ở tầng lớp thấp nhất dù không tiếng động nhưng vẫn cực kì nặng nề.
Nghiên Băng lo lắng không thôi, cũng không ngăn cản Triệu Bach Ngư đi sâu vào khu dân tỵ nạn nữa.
Đi được nửa đường, bên cạnh có một đứa con nít đột nhiên ôm bụng nôn mửa, khạc dịch chua ra đầy đất rồi ngã xuống đất hôn mê, mấy người dân liền vây lại kiểm tra.
Không lâu sau thì có quan sai đến, hùng hổ đẩy đám người ra một bên, kêu vài người dân dùng tấm ván đơn sơ khiêng đứa bé đó ném vào khu bệnh dịch.
Một nam tử trẻ tuổi phẫn nộ: "Nó đã ăn cám trấu, gạo cũ mà các ngươi dùng để cứu nạn mới bị bệnh rồi nôn mửa, các ngươi không tìm đại phu chữa trị cho nó, trái lại mượn cái cớ bệnh dịch đưa nó đến chỗ chết, đám tham quan ăn hối lộ, làm việc trái pháp luật các ngươi có còn lương tâm hay không?"
Thanh niên nọ bị quan sai tung cước đạp ngã, gã rút đao ra uy hiếp dân bị nạn: "Lấp đầy cái bụng đã là tốt lắm rồi, có biết triều đình cho ta bao nhiêu bạc đút no chúng mi không? Bạc triều đình cũng moi không ra nữa rồi, lão gia huyện chúng ta cũng đều ăn cháo cùng dưa muối, tiết kiệm khẩu phần lương thực để cứu trợ thiên tai, chúng mi còn muốn thế nào nữa? Còn muốn ồn ào không? Ồn hả! Toàn bộ xử tội loạn đảng hết!"
Lời này vừa ra đã đủ làm cho mọi người đều kinh sợ, rối rít lùi bước không dám la lối nữa.
Mắt thấy đứa bé đã được đưa lên tấm ván, có một đại phu lớn tuổi được đỡ ra ngoài, run rẩy nói: "Là dịch bệnh!"
"Cái gì?"
"Ta là đại phu của Tế Thế đường ở Phi Châu, những ngày qua xem bệnh cho rất nhiều bệnh nhân, nôn mửa, mất sức, không ăn uống nổi, thân thể dần yếu ớt dẫn đến suy kiệt mà chết.

Không sai đâu, trong năm loại dịch bệnh tất cả đều có tính lây lan, dù nặng hay nhẹ thì triệu chứng đều giống hệt nhau —— là dịch bệnh đấy!"
"!!"
Mọi người hoảng hốt, tránh né về phía sau như tránh hổ, đến cả những người dân khiêng ván cũng không nhịn được lui lại, không dám đến gần nữa.
Quan sai dẫn dầu kịp phản ứng: "Mau lên! Mang người đến khu dịch bệnh cách ly đi, ngươi là đại phu đúng không? Ngươi đi theo bọn chúng vào xem bệnh.

Đi, đi nhanh rồi về bẩm báo!"
Nha dịch hành động nhanh lẹ, có điều chỉ tầm hai ba giờ sau đã điều doanh binh từ Tuần kiểm ty tới bao vây gò chém đầu, lệnh cho người rải vôi chung quanh, tìm kiếm đại phu từ trong thành chuyển đến một ít dược liệu thanh nhiệt giải độc, chính là vào rồi không được ra, nói đúng hơn là muốn để cho bọn họ chờ chết.
Triệu Bạch Ngư giận đến mức ngón tay cũng run rẩy, "Xem mạng người như cỏ rác! Khá lắm huyện lệnh Giang Dương! Ta cứ tưởng lão muốn chấm dứt vụ Đặng Vấn An qua loa là do muốn gây dựng sự nghiệp, hóa ra không phải ngoại lệ, tàn sát dân lành mới là tình trạng bình thường! Hoắc Kinh Đường nói đúng, cương thần coi khinh lòng triều đình, ngang ngược điên cuồng!"
Y không tin huyện lệnh Giang Dương còn chưa biết tin Khâm sai đã đến Dương Châu, đã biết mà còn dám coi rẻ mạng sống người khác như thế, có thể thấy bình thường quen thói chúa đất, đã sớm quên mất sư uy hiếp từ triều đình, quên mất chức trách của một quan phụ mẫu!
Nghiên Băng: "Hay là bây giờ chúng ta để lộ thân phận?"
Triệu Bạch Ngư không bị cơn giận làm cho hồ đồ: "Chúng ta chỉ có hai người, để lộ thân phận thì quá mạo hiểm.

Trước tiên cứ xem tình hình lây lan của dịch bệnh, đến tối hãy truyền tin cho Thôi phó quan và Ngụy bá, ta đoán hẳn là bọn họ đã đến huyện Giang Dương rồi, không nên chủ động để lộ thân phận, Huyện lệnh Giang Dương rồi sẽ tự vác mặt đến đây thôi."
***
Cùng lúc đó, Ngụy bá và Thôi phó quan tới huyện Giang Dương muộn hơn nửa ngày, đi qua biết bao nhiêu quán trọ trên phố lớn, chuyện trò hỏi thăm dân tình, những bất bình và ý kiến của người dân về oan tình trong dân gian và quan phụ mẫu ở địa phương, họ vẫn luôn nói bằng khẩu âm ở phủ Kinh Đô, nha dịch tuần tra phát hiện ngay lập tức hồi phủ báo cho Lữ Lương Sĩ biết.
Lữ Lương Sĩ cuống cuồng nhảy xuống giường: "Tới rồi à? Nhanh lên, theo ta đi đón Khâm sai! Cái mũ...!Cái mũ của ta đâu? Giày nữa, mau mang vào cho ta." Lão chạy vội đến cửa thì đụng phải sư gia, không nén nổi cơn giận: "Hấp tấp cái gì!"
Vẻ mặt sư gia đau khổ: "Đại họa trước mắt rồi lão gia! Gò chém đầu đã xuất hiện dịch bệnh rồi, hạ sai tự chủ trương cho người phong tỏa khu dân bị nạn lại, nghe nói bên đó đã có người chết rồi —— nếu như Khâm sai biết được thì phải làm sao đây ạ?"
Lữ Lương Sĩ suýt nữa ngã xuống: "Dịch bệnh xuất hiện sao ngươi không nói? Ngươi muốn hại chết ta hay sao?"
Sư gia chột dạ đáp: "Dược liệu phủ Dương Châu phát xuống không có bao nhiêu —— "
"Ta thấy không phải là không có bao nhiêu, mà là ngươi đều ăn hết cả rồi đấy!"

Đúng là tham quan hiểu rõ tham quan nhất, Lữ Lương Sĩ và sư gia cá mè một lứa, kẻ thì tham ngân lượng cứu trợ, kẻ kia thì tham dược liệu chữa bệnh, đại nạn ập xuống đầu chỉ muốn bưng bít hết để bảo toàn bản thân mình, hoàn toàn không để ý đến sự sống chết của bách tính.
Lữ Lương Sĩ: "Vậy phải làm sao bây giờ?"
Sư gia: "Hay là nhân lúc dịch còn chưa bùng lên ta giải quyết khu dân bị nạn đi? Chặn hết cái miệng đám bọn chúng lại —— "
"Dân bị nạn có bao nhiêu người? Hàng ngàn hàng vạn, ngươi dám giết hết không? Ta thật sự không nhìn ra, lòng dạ ngươi còn ác hơn cả ta nữa." Lữ Lương Sĩ lườm sư gia một cái, ra hiệu cho nha dịch trói gã lại: "Dù sao cũng phải tìm một kẻ chịu tội, có thể tìm ai được chứ? Tự ngươi mưu tính không sạch sẽ, cũng đừng trách ta khí xa bảo suất*!"
(*) Khí xa bảo suất - 弃车保帅: Trong cờ tướng có nghĩa là bỏ xe bảo vệ soái/tướng.
Sư gia bị trói tay chân lại, miệng cũng bị bịt kín, lúc này đang trợn mắt liều mạng giãy giụa.
Lữ Lương Sĩ: "Đưa đi đi.

Nhớ trước khi treo cổ, đến nhà trọ của Khâm sai truyền tin, nói hắn tham ô ngân lượng cùng dược liệu cứu trợ thiên tai, âm mưu bại lộ, sợ tội nên tự vẫn." Lão bước qua người, không ngừng nghĩ ngợi: "Phiền thật, sao lại phiền phức như vậy? Đến bạc trong túi cũng móc ra rồi mà sao lại xui xẻo thế nhỉ?"
***
Tri phủ Dương Châu - Tiêu Vấn Sách nhanh chóng nhận tin từ huyện Giang Dương nói là bên đấy đang bùng dịch, yêu cầu điều người của Thái y cục và phát thêm nhiều dược liệu xuống.
"Hừ! Vụ án Đặng Vấn An thì không giải quyết còn chẳng biết xấu hổ xòe tay đòi tiền đòi người!" Tiêu Vấn Sách không giận tự uy, gõ bức thư nói: "Nếu không phải An Hoài Đức và Tống Linh cắn xé lẫn nhau, bổn phủ căn bản cũng sẽ không bị dính vào vụ án kia, đến nỗi bây giờ cũng bị cột vào cùng thuyền với cái lão Lữ Lương Sĩ ngu xuẩn kia nữa."
An Hoài Đức thuộc đảng Thái tử, Tống Linh là Hình ngục sứ Hoài Nam cũng là môn sinh của Thập vương, tính tình cứng nhắc, có khuynh hướng đối đầu với An Hoài Đức, Tiêu Vấn Sách nhìn mối quan hệ ông tế* của Thái tử và ân sư Lư tri viện cho nên mới nể mặt An Hoài Đức mấy phần.
(*) Ông tế: Mối quan hệ giữa cha vợ và con rể nhưng xem nhau như cha con ruột thịt.
Vụ án của Đặng Vấn An vốn do Hình ngục sứ Tống Linh phụ trách, nhưng An Hoài Đức cứ khăng khăng giành lấy cho bằng được, Tiêu Vấn Sách muốn cho ông ta mặt mũi nên chỉ đành đứng cùng chiến tuyến với An Hoài Đức, từ đó bị buộc chung với Lữ Lương Sĩ.
Lữ Lương Sĩ vừa tham vừa dại, vậy mà lần nào lần nấy cũng gặp may mắn, bên trên ngầm đấu đá nhau, trời xui đất khiến làm sao mà cho lão hai bức tượng Phật lớn che chở, xảy ra chuyện một cái là tìm ngay tới cửa.
Tả phán quan nói: "Tạm dẹp yên đã, chờ Khâm sai đi rồi tìm lý do giải quyết là được."
Chủ sự: "Không được phát tiền, lão nuốt bao nhiêu phải ói ra bấy nhiêu, nếu không cứ được voi đòi tiên.

Dược liệu và thái y thì vẫn phải cho, không thể để cho dịch bệnh lan tràn, đến lúc đấy thì ván cờ thật sự kết thúc mất!"
Tiêu Vấn Sách: "Ta lo rằng Khâm sai sẽ để ý đến khu dân bị nạn vì dịch bệnh này, vào đó tra ra được Lữ Lương Sĩ hốt ngân lượng cứu trợ, gộp vào án oan xử lý thì chúng ta sẽ không tránh khỏi dính líu."
Tả phán quan: "Lữ Lương Sĩ nói đã tìm được người đội tội, tạm tin lão một lần đi.

Chỉ cần không tra sâu vào hai vụ Chương Từ Lộ và bạc chữa sông bị chiếm đoạt thì không cần quá đề phòng Khâm sai.

Huống chi ta nghe nói, Khâm sai này còn quá trẻ tuổi, chưa trải quan trường nên thủ đoạn chắc chắn sẽ rất non nớt, hắn cũng dễ đối phó thôi."
Tiêu Vấn sách suy nghĩ nhiều chuyện, gật đầu: "Cũng được.

Phái ba xe dược liệu và hai thái y qua đó.

Rồi đến Tuần kiểm ty điều thêm doanh binh sang trông coi khu dân bị nạn, phải canh phòng nghiêm ngặt ở khu dịch bệnh, đến con ruồi cũng không được lọt ra dủ chỉ một con!"
Một hồi sau, gã thở dài nói: "Chỉ mong là kinh sợ không nguy, đừng có sai sót nữa."
***
Thôi phó quan nhận được tin tức từ Hải Đông Thanh, còn chưa kịp định hình, Ngụy bá đã xách kiếm muốn phóng đến khu dân bị nạn lôi Triệu Bạch Ngư ra.
"Ngài gấp cái gì?"
"Bây giờ ta không gấp, nhưng Ngũ lang nhà chúng ta chết thì có gấp không?"
"Ngài đi thì có ích lợi gì? Chưa kể bây giờ khu dân bị nạn được canh giữ rất nghiêm ngặt, doanh binh đều đóng quân ở đó, dù ngươi có đứng đấy nói Phủ dụ sứ ở trong đám dân cũng chẳng ai mở cửa cho mà vào! Phong tỏa khu dịch bệnh là pháp luật mà Đại Cảnh đã quy định, ai đi cũng vô dụng cả thôi! Huống chi ngươi đến kêu la tương đương rút dây động rừng, hù cái tên Lữ Lương Sĩ khiến lão có lý do không mở cửa vùng, dược liệu và lương thực không vào được lại gây bất lợi cho Triệu đại nhân nữa."
Ngụy bá tỉnh táo lại nhưng vẫn nổi giận đùng đùng: "Ngươi nói xem nên làm gì đây?"
Thôi phó quan: "Tiểu Triệu đại nhân dặn chúng ta giả làm Khâm sai, ta có thể lợi dụng thân phận này ở đây hăm dọa dể Lữ Lương Sĩ không dám làm quá trớn."
Vừa dứt lời đã nghe thấy một trận xôn xao từ ngoài truyền tới, tiếp đến lại yên ắng, không lâu sau có tiếng bước chân vội vàng đến gần, ngừng trước cửa phòng rồi cất tiếng hô lớn: "Huyện lệnh huyện Giang Dương Lữ Lương Sĩ mang tội nhân chiếm đoạt dược liệu cứu trợ thiên tai tới tạ tội Phủ dụ sứ đại nhân!"
Thôi phó quan cười nhạt: "Đấy, đến rồi."
==.


BÌNH LUẬN
Bạn cần đăng nhập để bình luận